Vì sao Táo Quân luôn được trông đợi mỗi dịp Tết đến Xuân về?
Táo Quân dường như trở thành một thói quen không thể thiếu với nhiều người vào mỗi dịp giao thừa Tết Nguyên Đán hàng năm.
Bộ ba "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh, "Nam Tào" Xuân Bắc và "Bắc Đẩu" Công Lý
Sau một năm tạm dừng, thông tin Táo Quân sẽ trở lại vào Tết Nguyên Đán 2021 đã gây xôn xao thời gian qua. Người người hào hứng vì Giao thừa năm nay, lại được quây quần để đón xem chương trình gây “sốt” nhất mỗi dịp cuối năm suốt hàng chục năm qua.
Dù đã có những lúc, Táo Quân hứng muôn lời chê bai nhưng không ai có thể phủ nhận, sức hút khó có chương trình nào địch lại nổi của “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân”. Tại sao một chương trình kéo dài hơn 15 năm vẫn duy trì được độ “nóng” của mình như thế?
Dàn nghệ sĩ duyên dáng bậc nhất
Khi ra đời vào năm 2003, Táo Quân chỉ là một tiểu phẩm đặc biệt để tổng kết series chương trình hài đình đám Gặp nhau cuối tuần. Thời điểm ấy, những gương mặt hài quen thuộc của Gặp nhau cuối tuần gần như đều hội tụ trong chương trình này như Xuân Bắc, Tự Long, Minh Vượng, Minh Hằng, Chí Trung, Hiệp Gà, Thành Trung… Ở số đầu tiên của Táo Quân, người đảm nhận vai Ngọc Hoàng là nghệ sĩ Quốc Trượng.
Thời điểm đó, format các Táo Quân lên chầu trời còn khá mới mẻ với người dân miền Bắc, nhưng đã quen thuộc với người dân phía Nam với chương trình Táo Quân của HTV. Sự duyên dáng, dí dỏm trong cách diễn xuất của các nghệ sĩ và các tình huống hài nhanh chóng thành công vang dội. Người ta bàn luận về Táo Quân, tám chuyện về những vấn đề được nhắc đến…
Dàn nghệ sĩ chủ chốt của chương trình hơn chục năm qua
Và ngay sau năm đó, kể từ năm 2004, “Gặp nhau cuối năm” bắt đầu đầu tư nhiều hơn về kịch bản, thời lượng dành cho Táo Quân. Cũng từ đó, chương trình được định hình đầu tư và phát sóng vào dịp Giao thừa hàng năm, trở thành thương hiệu và cũng là chương trình “nóng” nhất thời điểm cuối năm. Thậm chí, thay vì gọi là “Gặp nhau cuối năm”, cái tên Táo Quân được nhiều người dùng hơn.
Quy tụ dàn nghệ sĩ hài quen mặt từ Gặp nhau cuối tuần nhưng chỉ sau thành công của Táo Quân, các nghệ sĩ mới thực sự được đưa đến đỉnh danh vọng của sự nổi tiếng. Suốt 16 năm phát sóng, có những cái tên chỉ cần nghe là lập tức khán giả nghĩ tới Táo Quân gồm Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Chí Trung, Quang Thắng…
Cũng khó có chương trình nào được như Táo Quân khi suốt 16 năm phát sóng, chỉ với tần đó nghệ sĩ là chủ chốt (nhiều năm có những gương mặt mới) nhưng vẫn “hot” như thường. Mỗi người trở thành một mảnh ghép dường như không thể thiếu và họ mang tới một bức tranh đầy màu sắc thú vị cho Táo Quân.
Mỗi nghệ sĩ một nét diễn, hòa chung với nhau tạo thành một chương trình duyên dáng
Họ thân quen tới nỗi, người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng và chẳng dám nghĩ tới một ngày nào đó, Táo Quân được thay thế bởi những gương mặt khác. Ai có thể đủ sức để làm nên được dấu ấn như họ?
Một “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh “lù dù”, ít nói nhưng nói câu nào là “sét đánh” câu đó. Một “Bắc Đẩu” Công Lý sắc sảo, miệng lưỡi lanh lẹo, đanh đá và luôn là tâm điểm bị các Táo trêu chọc. “Nam Tào” qua lối diễn của Xuân Bắc hiện lên là nhân vật thông minh, hay “đá xoáy”, khéo léo để moi được thông tin cùng những lời thừa nhận của các Táo về các vấn đề họ phụ trách.
Các nghệ sĩ như Vân Dung, Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng… thể hiện sự đa dạng khi hóa thân thành nhiều Táo khác nhau ở nhiều năm. Chí Trung gây cười với cách nhấn nhá, nhả chữ khéo léo và được nhớ tới nhiều nhất với vai Táo Giao thông, cũng là người chuyên tạo ra các phát ngôn "độc" tạo thành xu hướng với dân mạng.
Kỹ năng nhấn nhá, nhả chữ của Chí Trung khiến anh thành "Táo" hay có phát ngôn gây "sốt" nhất mạng xã hội
Tự Long với năng khiếu hát hò cùng lối diễn tỉnh queo hay được giao vai Táo Văn Hóa. Lối diễn hài lố duyên dáng được Vân Dung vận dụng khá tốt trong vai Táo Y Tế. Sự lém lỉnh cùng tri thức am hiểu của Quang Thắng khiến anh được khán giả nhớ tới nhiều ở vai Táo Kinh Tế…
Mỗi người một thế mạnh và sự phối hợp ăn ý của họ đã tạo nên một Táo Quân đặc sắc, nhiều tiếng cười. Thêm nữa, dù các nghệ sĩ từng nói kịch bản của Táo Quân từ khi hình thành tới lúc lên sàn diễn là vô số biến đổi và do nhiều người đóng góp, nhưng không thể không nhắc tới nền kịch bản được viết nên bởi “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng – người có vốn hiểu biết và sự dí dỏm, thông minh đã thành thương hiệu.
Táo Quân mang tới những tiếng cười xả stress nhưng đầy ý nghĩa
Tiếng cười để xả stress và suy ngẫm
Một đặc trưng của hài miền Bắc là những tiếng cười sâu cay, thâm thúy. Đối với Táo Quân, những tiếng cười này in đậm đặc trưng ấy. Dù có những khi, người ta phàn nàn rằng theo thời gian, có lúc Táo Quân gây cười nhạt nhẽo, tấu nhảm để gây cười nhưng vẫn không phủ nhận được rằng, chỉ có Táo Quân mới khiến người ta vẫn cười nhưng phải ngẫm.
Xem Táo Quân, để đoán xem năm qua, những vấn đề nóng nào của dư luận sẽ được “tấu trình”. Để ngóng chờ xem, sự kiện gây xôn xao ấy sẽ được thể hiện như thế nào, có thể là qua một bài hát chế hài hước, cũng có thể qua một màn biểu diễn “có một không hai” nào đó từ các Táo và Nam Tào – Bắc Đẩu.
Các vấn đề nổi cộm trong năm được tái hiện theo những cách khác nhau
Sự thông minh của Táo Quân còn là biết cách ăn theo một sự kiện/chương trình đình đám nào đó trong năm để làm format, tạo nên sự thú vị. Người ta còn nhớ “Hoa Táo” của Táo quân 2009 dựa theo các cuộc thi hoa hậu. "Táo Idol" năm 2011 làm theo chương trình Vietnam Idol. Năm 2013, chương trình lại mượn format của Giọng hát Việt. “Ai là trợ lý” năm 2015 dựa theo Ai là triệu phú và Chiếc nón kỳ diệu – Vòng quay tham nhũng gây ấn tượng trong năm 2016.
Và một trong những lý do có lẽ khiến Táo Quân được ngóng chờ nhất chính là dám lên án những tệ nạn, những điều bức xúc mà ai cũng muốn nói nhưng không phải ai cũng dám nói hay có cơ hội lên tiếng.
Đó là nạn tham nhũng, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn nạn phong bì “bôi trơn”, cậy chức cậy quyền, cuộc chiến “giành ghế”, những vấn đề thời sự nhức nhối trong xã hội của các ngành nghề, từ văn hóa, thể thao, du lịch, giao thông, y tế, kinh tế…
Cách lên án không mang nặng tính chỉ trích, chì chiết mà lại là bằng tiếng cười trào phúng. Điều này càng có ý nghĩa vào thời điểm cuối năm bởi bên bữa cơm đoàn viên giao thừa, người ta cần những tiếng cười để xả stress. Khi những tiếng cười lại chưa đựng thêm thông điệp, ý nghĩa, há chẳng phải điều tất cả mọi người đều mong muốn?