Vào thời điểm tháng 4/2016, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh phiến quân IS sử dụng tên lửa chống tăng (ATGM) 9M133 Kornet (AT-14 Spriggan) để tấn công một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M60T Sabra của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù được quảng cáo là mang đầu đạn kép, sau khi "thổi bay" giáp phản ứng nổ sẽ xuyên được tới 1.200 mm giáp đồng nhất, nhưng bức ảnh chụp sau đó cho thấy chiếc Sabra chỉ bị hư hỏng nhẹ bên ngoài, không có dấu hiệu nào cho thấy giáp chính bị xuyên thủng.
Đáng chú ý, Sabra là chiếc M60 được Israel hiện đại hóa theo tiêu chuẩn Merkava, trong khi biến thể tối tân nhất là Merkava Mk 4 đã từng bị phá hủy hoàn toàn bởi súng chống tăng RGP-29 cỡ 105 mm.
Đây không phải lần đầu tiên tên lửa chống tăng có điều khiến Kornet cỡ 152 mm đắt đỏ gây thất vọng, mà ngay trong thử nghiệm nó đã tỏ ra thua kém những viên đạn rocket không điều khiển rẻ tiền.
Cụ thể, vào ngày 20/10/1999, Nga đã bắn một loạt vũ khí chống tăng (mỗi loại bắn 5 phát) vào giáp trước của xe tăng T-80U và T-90 trong điều kiện có và không có giáp phản ứng nổ (ERA).
Kết quả cho thấy mặc dù không thắng nổi T-90 lắp giáp phản ứng nổ, nhưng khi tháo bỏ ERA, RPG-29 đã bắn thủng tới 3 lần, trong khi chỉ 1 phát Kornet xuyên thủng được mục tiêu.
Đối với xe tăng T-80U, RPG-29 bắn thủng được 3 lần trong trường hợp có sự hiện diện của giáp phản ứng nổ, còn thành tích của tên lửa Kornet chỉ dừng lại ở con số 2 lần vượt qua giáp bảo vệ.
Kết quả này trái ngược hoàn toàn với lý thuyết là sức xuyên của tên lửa chống tăng 9M133 Konet vượt trội đạn rocket không điều khiển RPG-29 (1.200 mm so với 750 mm RHA).
Ngạc nhiên hơn, trong năm 2014, Phó Giám đốc thứ nhất của Nhà máy vũ khí Tula (TOZ), ông Leonid Fokin đã cung cấp một thông tin cực kỳ bất ngờ:
“Đơn hàng quốc phòng nhà nước năm 2015 đang tăng, nhất là với tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs-M. Nếu như những năm gần đây chúng tôi thường cung cấp khoảng 300 hệ thống/năm thì nay con số này lớn hơn gấp nhiều lần”.
Thương vụ đặt mua Konkurs-M lớn nhất thời gian qua chính là hợp đồng có trị giá ước tính lên tới 12 tỷ rupee (240 triệu USD), để cung cấp 10.000 tên lửa cho lực lượng bộ binh và cơ giới Ấn Độ.
Việc nhiều quốc gia đặt niềm tin vào thế hệ tên lửa chống tăng cũ đã ra đời từ thời Liên Xô, thay vì lựa chọn loại Kornet đời mới đã cho thấy chất lượng vũ khí mới của Nga thực sự có vấn đề.
Trong khi hiệu quả chưa thể hiện được sự vượt trội nhưng giá thành lại đắt gấp nhiều lần thì dễ hiểu vì sao nhiều khách hàng truyền thống lại lựa chọn một loại ATGM đời cũ rẻ hơn nhưng vẫn khá tin cậy.
Tương lai của tên lửa Kornet lại càng trở nên bấp bênh khi hiện nay nhiều quốc gia đang chào bán tên lửa chống tăng thế hệ 3 trở lên với chức năng “bắn và quên”, không yêu cầu xạ thủ phải chiếu laser dẫn đường cho đạn trong suốt quá trình bay nữa.
Bạch Dương