Vũ khí răn đe mạnh nhất của Ukraine chính là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Grom-2, từng khiến Nga phải đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, điều lạ là vũ khí này vẫn chưa tham chiến kể từ khi bắt đầu chiến sự.
Grom-2 do Ukraine sản xuất là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật di động tầm ngắn có hình dáng cũng như tính năng kỹ tác dụng rất giống với đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M của Nga.
Điều đáng nói là để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu Grom-2, Ukraine đã hợp tác với Saudi Arabia để tận dụng nguồn tài chính khổng lồ của quốc gia Trung Đông nói trên, một liên doanh được thành lập, trong đó Kiev chủ yếu góp chất xám.
Tên lửa đạn đạo Grom-2 được Ukraine thiết kế với mục đích chính nhằm thay thế các tổ hợp Tochka-U ra đời từ thời Liên bang Xô Viết có tầm bắn chỉ vỏn vẹn 120 km cũng như vòng tròn sai số ở mức rất lớn.
Đạn tên lửa Grom-2 được đặt trên xe mang phóng tự hành việt dã 5x5 có độ cơ động rất cao với 2 quả đạn sẵn sàng phóng, như vậy là nó hoàn toàn tương đương với Iskander-M của Nga.
Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa Grom-2 bao gồm chiều dài 7,2 m; đường kính 0,95 m; mang theo đầu đạn quy ước trọng lượng 480 km; vòng tròn sai số trong khoảng 50 - 70 m.
Tầm bắn của tên lửa Grom-2 hiện vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn, Ukraine chỉ công bố phiên bản xuất khẩu có thể vươn tới cự ly 280 km khi đã lược bỏ bớt bình nhiên liệu.
Trong khi đó, cự ly thực tế của tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 bản nội địa dự kiến phục vụ trong Quân đội Ukraine được các chuyên gia quân sự nhận định tối thiểu cũng phải được 500 km, thậm chí còn vượt qua con số trên khá nhiều.
Điều đáng chú ý ở đây là các quan chức quốc phòng Ukraine từng khẳng định vũ khí này có khả năng răn đe mạnh khi nó đủ sức bắn tới Moskva, tức là quả đạn sẽ vượt qua được quãng đường trên 750 km.
Sai số của Grom-2 trong tương lai sẽ nhỏ hơn rất nhiều nếu Ukraine được Mỹ cho phép tiếp cận với hệ thống định vị toàn cầu GPS phiên bản quân sự, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ được thực hiện rất nhanh chóng.
Trên nền tảng Grom-2, Ukraine còn thiết kế cho nó khả năng phóng tên lửa hành trình đối đất Korshun (thiết kế tương tự Kh-55), khiến tổ hợp này chẳng thua kém gì cặp bài trùng Iskander-M và Iskander-K của Nga.
Mặc dù sở hữu những tính năng được giới thiệu là rất ưu việt nhưng thật đáng ngạc nhiên là từ khi nổ ra xung đột đến nay, Ukraine chưa từng đưa tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 vào sử dụng.
Điều này gây ra khá nhiều thắc mắc cần giải thích, nhưng theo đánh giá từ nhiều nhà phân tích quốc tế, nguyên nhân chính nằm ở thực tế là Ukraine chưa sản xuất hàng loạt vũ khí trên, nó mới chỉ có một vài bản chế thử nhằm đánh giá tính năng.
Trong khi chưa kịp trang bị với số lượng lớn thì xung đột đã nổ ra, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine đều bị tàn phá rất nặng nề, điều này khiến họ chưa thể đưa vũ khí răn đe mạnh nhất của mình vào tác chiến.
Bạch Dương