Vi sao Thẩm phán chặn sắc lệnh của ông Trump về quyền có quốc tịch theo nơi sinh?

Nhiều tiểu bang cho rằng, sắc lệnh của chính phủ đã vi phạm quyền được ghi nhận trong điều khoản về quyền công dân của Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quy định rằng, bất kì ai sinh ra tại nước này đều là công dân Mỹ.

Ngày 23/1, Thẩm phán Liên bang John Coughenour ở Tòa án Quận John Coughenour, thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ đã ban hành lệnh cấm tạm thời ngăn chính quyền thực thi biện pháp mà ông Coughenour gọi là “vi hiến trắng trợn”.

Trong sắc lệnh hành pháp lệnh kí hôm 20/1 trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền từ chối công nhận quyền công dân của trẻ em sinh ra tại Mỹ nếu cha, mẹ của trẻ không phải là công dân nước này hoặc không phải là thường trú nhân hợp pháp.

Các nhóm nhân quyền đã bày tỏ sự lo ngại về sắc lệnh này vì cho rằng, đây là một sự tấn công cơ bản vào khái niệm quyền công dân Mỹ.

Sắc lệnh này có nguy cơ ảnh hưởng không chỉ đến trẻ em sinh ra ở Mỹ có cha mẹ không có giấy tờ hợp lệ, mà còn với cả trẻ em của những người nhập cư hợp pháp vào nước này. Đây dường như là điều khiến sắc lệnh nhanh chóng gặp phải những thách thức pháp lí.

Có tới năm vụ kiện đã được đệ trình từ 22 tiểu bang và một số nhóm dân quyền, trong đó có Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ.

 Trong ngày nhậm chức đầu tiên 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí hàng loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có những lệnh gây tranh cãi. Ảnh: AFP.

Trong ngày nhậm chức đầu tiên 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí hàng loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có những lệnh gây tranh cãi. Ảnh: AFP.

Lệnh cấm tạm thời hôm 23/1 là kết quả của đơn kiện do 4 tiểu bang Arizona, Illinois, Oregon và Washington do đảng Dân chủ lãnh đạo đệ trình. Đây là vụ kiện đầu tiên được đưa ra xét xử.

Các tiểu bang này lập luận rằng, sắc lệnh của chính phủ đã vi phạm quyền được ghi nhận trong điều khoản về quyền công dân của Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quy định rằng bất kì ai sinh ra tại nước này đều là công dân Mỹ.

Trong hơn một thế kỉ, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã ủng hộ nguyên tắc quyền công dân theo nơi sinh, dựa trên Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, trong đó nêu rõ: “Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lí của nước đều là công dân Mỹ”.

Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump vẫn khẳng định, quyền công dân theo nơi sinh khuyến khích tình trạng di cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Chính quyền cũng lập luận rằng, Tu chính án thứ 14 không nhằm mục đích áp dụng cho những người có cha mẹ không có giấy tờ hợp pháp vì họ không thuộc thẩm quyền của Mỹ.

 Tổng chưởng lí Washington Nick Brown phát biểu ngày 23/1 sau khi Thẩm phán liên bang John Coughenour tạm thời chặn lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Ảnh: Lindsey Wasson/Ảnh AP.

Tổng chưởng lí Washington Nick Brown phát biểu ngày 23/1 sau khi Thẩm phán liên bang John Coughenour tạm thời chặn lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Ảnh: Lindsey Wasson/Ảnh AP.

Giải trình của Bộ Tư pháp Mỹ nói, sắc lệnh hành pháp ban hành hôm 20/1 là “một phần không thể thiếu” trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giải quyết hệ thống di trú bị phá vỡ của quốc gia này và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía nam.

Lệnh này chỉ thị cho Cơ quan An sinh xã hội Mỹ không cấp số an sinh xã hội cho trẻ em sinh sau ngày 19/2, nếu cha hoặc mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp.

Điều sẽ khiến những đứa này có nguy cơ bị trục xuất, không được hưởng nhiều khoản phúc lợi của chính phủ và bị hạn chế khả năng làm việc hợp pháp khi trưởng thành.

Theo các tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, hơn 150.000 trẻ sơ sinh ở Mỹ sẽ bị từ chối quyền công dân hàng năm nếu lệnh của tân Tổng thống Trump được phép có hiệu lực.

Mỹ là một trong khoảng 30 quốc gia trên thế giới có quyền công dân theo nơi sinh. Tu chính án thứ 14 được thực thi sau Nội chiến để mở rộng quyền công dân cho những người da đen trước đây từng là nô lệ.

Văn Phong/Aljazeera

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/vi-sao-tham-phan-chan-sac-lenh-cua-ong-trump-ve-quyen-co-quoc-tich-theo-noi-sinh-172021.html