Vì sao thị trường biểu diễn âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh thụt lùi ?
Chỉ 15-20 năm trước, thị trường biểu diễn âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh vẫn được xem là tiêu chuẩn mà Hà Nội và nhiều địa phương khác phải học theo. Nhưng hôm nay, tất cả đã thay đổi. Nói ra thì buồn nhưng TP Hồ Chí Minh đã và đang tụt lại sau Hà Nội khá xa và nếu không thay đổi, rất có thể bản đồ thị trường biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn.
1. "Hà Nội bây giờ mới là thị trường", Giám đốc một công ty chuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh đã thốt ra câu ấy sau khi đơn vị của anh tổ chức thành công một buổi hòa nhạc tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên công ty của anh kéo quân ra Bắc. Từ trước tới nay, trong khoảng gần chục năm, công ty của anh chỉ quanh quẩn ở thị trường TP Hồ Chí Minh và nếu không vì đam mê cũng như có thêm các ngành nghề kinh doanh khác bù đắp vào, chắc anh đã bỏ cuộc.
Hai mươi năm trước, giới showbiz Việt vẫn thường hay nói vui với nhau đại ý rằng "về âm nhạc, Hà Nội là nơi đào tạo còn Sài Gòn mới là nơi ứng dụng". Điều đó đã khiến rất nhiều nghệ sĩ từ phía Bắc vào Nam lập nghiệp. Nhiều người trong số họ đã thành danh, trở thành ngôi sao lớn, thậm chí có người còn thành hạng A. Nhưng dường như bối cảnh cũ đã không còn nữa. Nhiều năm trở lại đây, chỉ giới giải trí mới Nam tiến mà thôi. Còn lại, các nghệ sĩ ngày càng gắn bó với Hà Nội hơn. Đơn giản, ở đó, họ có đất sống hơn. Càng ở thể loại âm nhạc giàu tính nghệ thuật, đất diễn ở Hà Nội càng nhiều hơn trong khi không gian sinh tồn ở Sài Gòn lại càng hẹp đi. Đây là một thực trạng mà các nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh nên nghiêm túc suy nghĩ khi niềm tự hào mà họ vẫn có là "Sài Gòn là một cái nôi nghệ thuật lớn" đã mai một quá nhiều.
Nếu điểm danh lại năm 2023, chúng ta nhận thấy rất rõ số lượng chương trình ca nhạc sân khấu lớn ở TP Hồ Chí Minh đã không còn nhiều. Nổi bật nhất chỉ là chuỗi chương trình diễn ra hàng tháng tại Nhà hát Quân đội của ekip nhạc sĩ Đức Trí có tên "Musique de Salon" mà thôi. Phần còn lại, chủ yếu thị trường TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh ở các sân khấu nhỏ, phòng trà kiểu mới như Phòng trà Bến Thành, sân khấu Mây lang thang Sài Gòn. Các dạng sân khấu này không còn là đặc sản riêng của TP Hồ Chí Minh nữa mà nó đã phát triển rất mạnh ở Đà Lạt, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác nữa. Do đó, khó có thể nói nó là thế mạnh riêng của âm nhạc TP Hồ Chí Minh
Trong khi đó, ở Hà Nội, thị trường biểu diễn âm nhạc sôi động hơn với đủ loại hình âm nhạc và có rất nhiều chương trình sân khấu lớn có bán vé và bán cháy vé. Nhạc đỏ ư? Vẫn bán vé tốt. Nhạc "quê hương" kiểu bolero ư? Cũng bán vé tốt luôn. Nhạc nhẹ trữ tình như của các tác giả như Đức Trí, Đỗ Bảo ư? Vé bán càng tốt. Và nhạc cao cấp, kinh viện như giao hưởng thính phòng? Không mua sớm thì chỉ có nước đợi tới lần sau.
Khi sự đa dạng của Hà Nội phát triển tới mức đó thì ở TP Hồ Chí Minh, thị trường âm nhạc chủ yếu vẫn là gameshow nhạc trẻ, thời thượng và nếu có bùng nổ thì cũng chỉ dồn vào thời điểm tổng kết chương trình, kiểu như gala của Rap Việt hay The Masked singers. Ngay cả chuỗi "Musique de Salon" cực kỳ chất lượng mà nhạc sĩ Đức Trí dàn dựng cũng phải cực vất vả trong năm 2023 mới tìm được hướng đi để trở thành một thức ăn tinh thần quen thuộc với khán giả yêu âm nhạc thành phố. Rõ ràng, sức mua vé của TP Hồ Chí Minh đang thấp đi rất nhiều và việc các nhà hát tên tuổi như Hòa Bình, Bến Thành không còn sáng đèn nữa, chủ yếu là cho thuê làm rạp chiếu phim và phòng trà chính là minh chứng cho sự suy thoái đáng buồn của thị trường biểu diễn âm nhạc thành phố phương Nam này.
2.Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng suy thoái kể trên? Tại sao một thị trường tiên phong trong cả nước suốt nhiều thập niên lại trở thành một thị trường thứ cấp so với Hà Nội? Câu hỏi này nên được đặt ra cho cả một tổng thể mặt bằng xã hội TP Hồ Chí Minh, bao gồm từ người thưởng thức cho tới những người quản lý văn hóa của thành phố.
Đầu tiên, muốn nói gì đi nữa, thị trường biểu diễn cũng phải như mọi thị trường khác, tức là vai trò người tiêu thụ rất quan trọng. Người tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh có hay không? Có, rất đông. Người dân TP Hồ Chí Minh có chịu chơi, chịu chi như Hà Nội hay không? Rất chịu chi, tuy nhiên, mức độ chi cho thưởng thức văn hóa nghệ thuật lại kém hơn. Nguyên nhân cơ bản chính là một hệ thống các chương trình gameshow, các show truyền thông quá ồ ạt suốt nhiều năm trời với đủ chiêu trò lăng xê những thứ giải trí đại chúng dễ dãi, thậm chí nhiều khi còn hơi kém giá trị đã khiến người thưởng thức ở TP Hồ Chí Minh bị bão hòa. Trong khi đó, các nhà tổ chức ở TP Hồ Chí Minh lại luôn xu thời, cứ nhìn thấy những thứ giải trí triệu views hoặc các gameshow âm nhạc đình đám là lấy đó làm tiêu chuẩn để tổ chức nội dung. Người thưởng thức cao cấp ở thành phố vì thế đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi và dần dần, họ quen với thói quen mới: đi du lịch kèm xem chương trình nghệ thuật. Vô tình, chính các nhà tổ chức ở TP Hồ Chí Minh đã đẩy khán giả quan trọng của mình đi ra nước ngoài hoặc các địa phương khác trong nước tiêu tiền cho nghệ thuật.
Thứ đến, phải nói đến vai trò quản lý. Theo thông tin mới nhất, sau 20 năm gắn bó với Nhà hát Nhạc giao hưởng Việt Nam, nhãn hàng Toyota đã đi đến quyết định cuối cùng là cắt các buổi diễn ở TP Hồ Chí Minh kể từ năm 2024. Lý do cắt giảm rất đơn giản nhưng đầy trái khoáy, đó là nhãn hàng không thỏa mãn với việc họ đầu tư tiền cho một chuỗi hòa nhạc giá trị nhưng lại không có được chỗ biểu diễn tương xứng. Về phía Nhà hát Nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), họ cũng không thể cáng đáng nổi một chương trình quy tụ hơn 50 nghệ sĩ trong dàn nhạc với một mức ngân sách hạn chế nhưng lại không nhận được mức tương hỗ mặt bằng tương xứng. Cụ thể, muốn thuê Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh không hề dễ. Chi phí thuê cho 1 ngày (bao gồm sáng hoặc chiều tổng duyệt, tối diễn) là khoảng 180 triệu đồng. So với Nhà hát lớn Hà Nội, giá này đắt gấp đôi, so với Nhà hát Hồ Gươm, giá này đắt gấp rưỡi. VNSO đành phải chọn diễn ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, một không gian chắc chắn không làm hài lòng nhà tài trợ. Nghịch lý trớ trêu là khi các đoàn nghệ thuật uy tín phải thuê nhà hát ở TP Hồ Chí Minh với giá đắt như thế, và khó khăn như thế, thì nhà hát này sẵn sàng cho thuê cả các sự kiện rất trời ơi đất hỡi như kiểu "tổng kết tập đoàn". Ngay cả các đơn vị cùng "mẹ" với Nhà hát TP Hồ Chí Minh như Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch TP Hồ Chí Minh cũng phải khổ sở với đơn vị quản lý nhà hát. Có những chương trình đã bán vé rồi, quảng cáo rồi buộc phải trả lại vé cho khán giả và dời ngày diễn chỉ vì lý do "cấp trên muốn lấy nhà hát hôm đó để làm hội nghị, hội thảo". Như vậy, khi chính những người quản lý văn hóa ở TP Hồ Chí Minh không coi trọng giá trị văn hóa, nghệ thuật thì làm sao nghệ thuật sống nổi.
Vậy ai là nạn nhân cho lối quản lý văn hóa theo kiểu này? Thứ nhất, chính là các nghệ sĩ chân chính. Thứ hai, các khán giả yêu nghệ thuật. Số lượng vé bán của chương trình ballet Senzen vừa rồi ở TP Hồ Chí Minh cho thấy khán giả vẫn yêu nghệ thuật lắm, vẫn chịu chi cho nghệ thuật lắm nhưng họ không có cơ hội được thể hiện tình yêu ấy của mình.
Những nhà quản lý văn hóa TP Hồ Chí Minh có thể biện minh rằng TP Hồ Chí Minh vẫn có "Festival Hozo" mấy năm gần đây đình đám đủ làm diện mạo âm nhạc cho thành phố. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động, số lượng vé bán và so nó với nhiều festival ở Hà Nội, họ nên dẹp niềm tự hào nhỏ nhoi ấy sang một bên. Ngay cả việc lấy chữ "Hò dô" làm đại diện cho văn hóa phương Nam đã là một cái lệch pha văn hóa đáng nói rồi. Nam Bộ không có đặc trưng "Hò dô". Đặc trưng của âm nhạc TP Hồ Chí Minh lại càng không phải là "Hò dô" cho dù luôn tự hào là điểm quy tụ của mọi diện mạo văn hóa cả nước.
Sự tụt hậu của sân khấu biểu diễn ca nhạc TP Hồ Chí Minh là một hiện trạng cần phải được đánh giá nghiêm túc và được giải quyết bằng các kế hoạch cụ thể, với sự thống nhất từ khâu quản lý nhà nước cho tới từng nhà tổ chức biểu diễn đang hoạt động trong thành phố. Không thể nào để một địa phương luôn là điểm đến của du khách cả trong nước lẫn quốc tế mà lại thưa thớt bóng dáng của nghệ thuật âm nhạc. TP Hồ Chí Minh đa dạng văn hóa và đừng nghĩ văn hóa chỉ có giải trí đơn thuần. Đừng để đến một ngày khi nhắc tới diện mạo văn hóa đại chúng của thành phố đáng tự hào này, người ta không nhớ rằng ở đó có nghệ sĩ nào mà chỉ nhớ đến những thứ rác văn hóa như kiểu MV "Oải cả chưởng" mới bị cười nhạo suốt thời gian qua.