Vì sao thiên tai sét đánh năm nay dồn dập?

Sét xuất hiện có cả dạng trực tiếp và dạng lan truyền, sét đánh có thể xảy ra bất kỳ chỗ nào, ngay cả khi đang ở trong nhà vẫn có thể bị sét đánh trúng nên không được chủ quan khi trời có dông sét.

Hàng loạt vụ tai nạn do sét đánh

Ngày 25/8, tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ bé trai 13 tuổi bị sét đánh tử vong. Trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 24/8, cháu Đ.Đ.N (SN 2011, trú tại thôn 2, xã Tiến Xuân) đi đá bóng cùng 3 bạn trong thôn. Thời điểm này trời mưa, sấm chớp xuất hiện liên tục. Nhóm của N. không may bị sét đánh trúng. Khoảng một lúc sau, 3 cháu nhỏ tỉnh lại, riêng N. được xác định tử vong.

Theo hệ thống đo của Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn, từ 22 đến 24/8, có thời điểm trong một giờ ghi nhận hơn 1.000 tia sét trên bầu trời Hà Nội.

Mới đây vào ngày 20/7, bà N.T.T., sinh năm 1969, ở tổ 7, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên) đang làm việc ngoài đồng thì bị sét đánh trúng, gây tử vong. Hay trước đó vào ngày 19/5, khắp các tỉnh Bắc bộ đã xảy ra mưa dông lớn kèm theo sấm sét khiến 3 người ở Thanh Hóa và Nam Định thiệt mạng do sét đánh.

Sét là thiên tai nguy hiểm, cần có các biện pháp phòng tránh.

Sét là thiên tai nguy hiểm, cần có các biện pháp phòng tránh.

Theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 22/8, miền Bắc ghi nhận hơn 1000 cú sét chỉ trong một giờ đồng hồ. Trong đó, các khu vực có sét kiểu nhất gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình.

Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế. Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC).

Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600km. Như vậy ngoài khu vực đất liền của Việt Nam thì các trạm định vị sét có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới của các nước lân cận Việt Nam.

Trưởng Phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng thủy văn quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị website: hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết. Người dân có thể tham khảo để có thể phòng, tránh các rủi ro do do dông sét gây ra.

Vì sao ở trong nhà cũng bị sét đánh?

Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu.

Khi phóng điện trong khí quyển tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/s, vì sét là sự di chuyển của các ion nhưng hình ảnh của sét là do dòng plasma phát sáng tạo ra nên có thể thấy trước khi nghe tiếng động. Còn tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.230 km/h trong điều kiện bình thường của không khí còn ánh sáng đi được 299.792 km/s.

Sét đạt tới nhiệt độ 30.000 độ C, gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh (chỉ cần 1330 độ C để làm nóng chảy SiO2), những viên đá được tạo ra bởi sét đánh vào cát gọi là fulgurite (thường nó có dạng hình ống do sét di chuyển vào lòng đất). Sét cũng được tạo ra bởi những cột tro trong những vụ phun trào núi lửa hoặc trong những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc đủ để dẫn điện.

Ông Quyết lập luận sét hình thành và nguồn gốc của nó đang còn tranh luận, các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như gió, độ ẩm, ma sát và áp suất khí quyển, các hạt tích điện trong năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, các tinh thể băng trong các đám mây, có thể là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tia sét, do nó có thể tạo ra một môi trường tích điện cực trái dấu trong các đám mây dẫn đến việc sét xuất hiện. Nhưng hầu hết các giả thuyết hình thành sét đều liên quan đến sự tích điện trong đám mây dông.

Ông Lê Đình Quyết thông tin, sét xuất hiện sẽ gây ra các tác hại tĩnh điện, điện từ, nhiệt, động lực đến các đối tượng xung quanh như thiết bị kỹ thuật điện, đường dây thông tin, tín hiệu, truyền số liệu, đường dây điện lực, các phương tiện thông tin, vô tuyến điện tử và thường gây ra các thiệt hại lớn.

"Cần nhớ rằng sét xuất hiện có cả dạng trực tiếp và dạng lan truyền, sét đánh có thể xảy ra bất kỳ chỗ nào, ngay cả khi đang ở trong nhà vẫn có thể bị sét đánh trúng. Chúng ta, không mở tivi, hạn chế sử dụng đồ điện, rút các phích cắm điện, không đứng cạnh cửa sổ ngóng mưa khi có sấm sét xuất hiện", ông Quyết khuyến cáo.

Chuyên gia lưu ý, cấp cứu người bị sét đánh, ngoài làm cháy, bỏng, sét gây tác hại hệ thần kinh, gãy xương, mất thính giác, thị giác, hay trí nhớ. Người bị sét đánh cần được cứu trợ ngay tức khắc. Nếu người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Tìm những nơi bị gãy, đặc biệt cẩn thận không di dời những nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Để những nơi bị bỏng khô và tìm cách nhanh nhất để nhân viên y tế đến.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-thien-tai-set-danh-nam-nay-don-dap-169240826101238145.htm