Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya?
Thổ Nhĩ Kỳ đang có những động thái can thiệp vào tình hình ở Libya. Theo giới phân tích, đằng sau diễn biến này là những động cơ và mục đích ẩn giấu của chính quyền Ankara đối với quốc gia Bắc Phi.
Theo nhận định của nhà văn đồng thời là nhà báo chuyên theo dõi về các vấn đề khu vực Hend al-Dawy, sau vụ giết hại cố Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào quốc gia Bắc Phi này đã được tăng cường. Trước đó, Ankara đã có nhiều thỏa thuận kinh tế với chính quyền Gaddafi. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiềm chế việc can thiệp vào nước này khi cuộc nội chiến nổ ra lần đầu tiên. Qatar đã từng chu cấp tài chính cho lực lượng dân quân ở Libya nhưng nay những lực lượng này chủ yếu chịu sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang cố gắng bù đắp cho những tổn thất của họ ở Ai Cập và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ có 3 mục tiêu ở Libya. Mục tiêu thứ nhất là trả thù cho sự sụp đổ của chế độ do tổ chức Anh em Hồi giáo nắm quyền ở Ai Cập hồi năm 2013 và chỉ trụ lại được vỏn vẹn đúng một năm. Thứ hai là Ankara đang lấy Libya làm “con tin” nhằm gây sức ép đối với Cairo trong bối cảnh Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải đặt trụ sở tại Cairo. Diễn đàn này bao gồm Ai Cập, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp, Israel, Italy, Jordan và Chính quyền Palestine (PA). Cũng cần lưu ý rằng vào năm 2014, Ai Cập, Cyprus và Hy Lạp đã ký kết thỏa thuận phân định biên giới trên biển với mục đích chính là để khai thác khí đốt.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây cản trở hoạt động khai thác trên vùng biển của Cyprus, đồng thời tuyên bố họ có “phần” tại các mỏ khí đốt này, mặc dù Ankara chưa ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Thứ ba là tống khứ 100.000 phiến quân được Ankara hậu thuẫn ở khu vực Idlib của Syria khi không phải tất cả những tay súng này là người Syria. Những đối tượng này có cả người Duy Ngô Nhĩ và người châu Âu. Pháp và Đức đã từ chối cho những đối tượng này hồi hương và truy tố những người đó.
Theo nhà báo Dawy, cuộc khủng hoảng Libya rất phức tạp vì những bất đồng giữa Pháp và Italy về tương lai của quốc gia Bắc Phi này. Paris ủng hộ lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar, trong khi Rome hậu thuẫn cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), vốn là một chính phủ lâm thời, không thông qua bầu cử song được Liên hợp quốc công nhận. Hơn nữa, Liên minh châu Âu (EU) đang thận trọng và cảnh giác đối với Tư lệnh LNA, Tướng Haftar, khi nhân vật này bắt đầu sử dụng vũ khí và lính đánh thuê từ Nga. Sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột Libya không được EU đánh giá cao. Trong khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang “tống tiền” EU về vấn đề người tị nạn. Sự can thiệp của Nga cũng thúc đẩy Mỹ ủng hộ những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, đặc biệt là việc chiếm đóng quận Al Watiyah, nơi có căn cứ không quân Oqba bin Nafea. Chuyên gia này nghi ngờ về việc 6 hệ thống phòng không Pantsir S-1 do Nga chế tạo (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương –NATO, định danh là SA-22 Greyhound) của LNA đã bị các máy bay không người lái Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy cho thấy rằng Ankara luôn hành động sau khi nhận được “sự ủng hộ của phương Tây.”
Nhà báo Dawy cũng lưu ý rằng Ai Cập đã dành cho LNA sự ủng hộ chính trị với khái niệm quốc gia dân tộc trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang hậu thuẫn cho Hồi giáo chính trị ở khắp khu vực Trung Đông, chủ yếu cho các nhóm cực đoan. Chuyên gia này bình luận rằng các bên liên quan sẽ tập trung vào giải pháp chính trị và vô hiệu hóa vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya bằng cách triệt tiêu những yếu tố khiến phương Tây lo ngại và giảm sự thù địch nhằm vào Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj. Sau đó, LNA sẽ có thể giành lại cán cân quân sự ở nước này thông qua sự hỗ trợ của các đồng minh. Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, Liên đoàn Arab (AL) đã nhấn mạnh về giải pháp chính trị như là yếu tố then chốt để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libya.
LNA vừa tuyên bố đã tiêu diệt 12 lính đánh thuê Syria và khôi phục hoạt động tại doanh trại Yarmok ở phía Nam Tripoli. Trong khi đó, lực lượng dân quân Tripoli đã tiếp quản căn cứ không quân Oqba Bin Nafea ở khu vực Al Watiyah, miền Tây Libya từ LNA. Trước đó, hồi tháng 4, người phát ngôn LNA Ahmed al-Mesmary tuyên bố rằng lực lượng dân quân này đang tìm cách giành quyền kiểm soát căn cứ không quân nêu trên khi nó có thể là nơi thay thế cho căn cứ không quân Mitiga nếu căn cứ này bị LNA tiếp quản. Cũng trong tháng này, LNA đã bắn hạ 60 máy bay không người lái cất cánh từ căn cứ không quân Mitiga.
Tháng 12-2019, GNA và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết 2 bản ghi nhớ về quốc phòng và khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải. Kết quả là Ankara đưa vào Libya 15.000 tay súng đánh thuê Syria sát cánh cùng lực lượng dân quân bảo vệ cho GNA đóng ở Tripoli. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa 1.500 sĩ quan và chuyên gia quân sự của nước này để chỉ huy các chiến dịch của lực lượng dân quân ủng hộ GNA, vốn chỉ đang kiểm soát Tripoli và Mistrata kể từ khi LNA giành được Sirte hồi tháng 1. Các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn khi LNA đang bao vây cả hai TP trên và tiến vào các vùng ngoại ô.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-can-thiep-vao-libya-195128.html