Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu phá mìn Anh tặng Ukraine?
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây không cho phép 2 tàu phá mìn do Hải quân Hoàng gia Anh tài trợ cho Ukraine, đi qua eo biển Bosporus và Gallipoli của nước này để đến Biển Đen.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc chuyển giao tàu phá mìn vi phạm Hiệp ước Montreux năm 1936. Theo hiệp ước, Thổ Nhĩ Kỳ được quyền ngăn chặn các tàu chiến đi qua eo biển Bosporus và Gallipoli trong các cuộc xung đột.
Eo biển này là tuyến đường biển duy nhất dẫn tới Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO - khẳng định họ thực thi lệnh cấm một cách công bằng, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu.
Không chỉ cấm Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cho phép Nga sử dụng eo biển để tiếp cận bờ biển Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tuân thủ nhất quán quan điểm của mình trong việc duy trì hòa bình ở khu vực Biển Đen và phản đối việc đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Haldun Yalcinkaya - Đại học Kinh tế và Công nghệ Tobb nhận định: “Là một quốc gia ở khu vực Biển Đen, chúng tôi là có cùng biên giới với Nga và cũng có chung đường biên giới với Ukraine. Điều thực sự quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ là chấm dứt xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ rất nhất quán trong việc đạt được mục tiêu đó."
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Thổ Khĩ Kỳ nhiều lần khẳng định rằng nước này không ủng hộ phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi tất cả các bên hợp tác để thúc đẩy chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.