Vì sao thời trang khoe da thịt trở nên phổ biến?
Bên cạnh sự ủng hộ phong trào #MeToo, các chuyên gia cho rằng khoe cơ thể là chiến lược của thương hiệu để gây chú ý.
Dù kết thúc gần một tuần, câu chuyện thời trang tại Met Gala 2022 vẫn là chủ đề được bàn tán. Phong cách “mặc như không”, để lộ nhiều da thịt gây chú ý nhất, theo The Guardian.
Cara Delevingne để ngực trần, sơn vàng và chỉ được che chắn bằng miếng bảo vệ nhỏ. Trong khi đó, Gwen Stefani mặc chiếc áo ngực màu xanh lá cây dáng quây và váy bóng đồng điệu. Hay chiếc áo lót pha lê xuyên thấu của Adwoa Aboah cũng là thiết kế nổi bật tại bữa tiệc thời trang.
Hiệu ứng từ đại dịch vẫn chưa chấm dứt
Theo báo cáo xu hướng mới từ Clearpay - nền tảng thanh toán và nhà tài trợ cho Tuần lễ thời trang London, xu hướng gợi cảm nổi lên từ khi bắt đầu đại dịch đang phát triển thành quần áo “hầu như không có”. Các kiểu nội y cũng “len lỏi” vào trang phục hàng ngày.
Mùa thời trang này cho thấy hình dáng của những chiếc váy cut-out “trần trụi” từ Nensi Dojaka, Cult Gaia và Ester Manas. Những chiếc váy dạ hội bikini của Valentino và Vera Wang hay áo siêu ngắn, micro skirt từ Miu Miu.
Nhà sử học thời trang, tiến sĩ Kate Strasdin của Đại học Falmouth nói: “Không có gì lạ khi nhìn thấy sự quyến rũ tăng vọt trong thời kỳ khó khăn như nhiều năm trước. Vào những năm 1930, nhiều người quan tâm tới những chiếc váy hở hang, bó sát cơ thể. Họ mặc chúng và không có đồ lót. Đó là cách họ thể hiện sự tôn trọng đối với cơ thể mình.
Vào những năm 1990, giới mộ điệu chứng kiến đồ lót được mặc làm áo khoác ngoài và váy lấy cảm hứng từ nội y. Tom Ford đã gửi một chiếc áo lót hở hang xuống sàn catwalk và Alexander McQueen tạo khe đáy trên quần dài bumster.
Ủng hộ #MeToo hay chỉ là chiến lược kinh doanh?
Xu hướng ăn mặc khoe da thịt mở đầu cho kỷ nguyên của lối ăn mặc quyền lực. Đó là chủ nghĩa nữ quyền hiện đại, tôn vinh phụ nữ dù kích thước cơ thể thế nào.
Tuy nhiên, số khác không nghĩ đó đơn thuần là một cuộc đấu tranh cho phái nữ.
Khoe da thịt cũng là một chiến thuật gây sốc. Chỉ cần đăng hashtag #MeToo, người đó có thể mặc bất cứ thứ gì mình muốn. Họ không mời gọi những người thích thú với cơ thể phụ nữ. Đơn giản, họ là chính họ.
Tiến sĩ Kirsty Fairclough của Đại học Manchester Metropolitan nói: “Đây không phải là chuyện nữ quyền. Đó là nỗ lực tuyệt vọng của những người nổi tiếng để vực dậy thương hiệu của họ”.
Đối với Fairclough, mọi thứ đơn thuần là chiến lược kinh doanh. Mạng xã hội là môi trường ồn ào và những bức ảnh cùng bộ đồ khoe da thịt đơn giản dùng để thu hút sự chú ý.
Dữ liệu của Clearpay cho thấy xu hướng này đã được nhiều người dùng yêu thích với các sản phẩm như váy siêu ngắn, váy cắt xẻ và váy siêu mỏng. Tất cả đều đứng đầu các lượt tìm kiếm quần áo.
Nhà tâm lý học thời trang Shakaila Forbes-Bell của Clearpay nhận xét những người nổi tiếng có thể dễ dàng khoác lên mình bộ đồ khoe da thịt. Bởi họ ít bị ràng buộc từ những chuẩn mực xã hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng như họ. Không phải mọi phụ nữ đều muốn mặc áo ngực nhỏ xíu hay những chiếc váy mini siêu ngắn.
Theo công ty dự báo xu hướng WGSN, một xu hướng mới đang lên ngôi, gọi là “bữa tiệc thoải mái”. Các trang phục thiếu vải, sơ mi mỏng tang được yêu thích. Và nó không phải vấn đề nữ quyền. Mọi thứ bắt nguồn từ một đêm đi chơi thoải mái.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-thoi-trang-khoe-da-thit-tro-nen-pho-bien-post1315322.html