Vì sao thủ tướng Áo là lãnh đạo EU đầu tiên gặp trực tiếp ông Putin?
Áo - quốc gia không phải thành viên NATO - vốn là nước trung lập và thường tìm cách thể hiện vai trò trung gian hòa giải giữa các lợi ích chiến lược của Nga và châu Âu.
Ngày 11/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine sáu tuần trước.
Theo các quan chức Áo, chuyến đi của ông Nehammer tới Moscow là một phần trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Ukraine.
Các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một số lần nói chuyện với ông Putin qua điện thoại, nhưng không ai đến Moscow.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đứng đầu Hội đồng Châu Âu Charles Michel và ông Scholz đã được thông báo tóm tắt về chuyến đi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người cuối tuần vừa rồi đã gặp ông Nehammer ở Kyiv - cũng đã nhận thông tin về kế hoạch của thủ tướng Áo.
Theo Financial Times, chuyến đi của thủ tướng Áo diễn ra vào thời điểm mà châu Âu, Mỹ và các đồng minh đang khó thống nhất trong thông điệp gia tăng áp lực với Nga.
Tiếng nói thiện cảm với Moscow tại châu Âu
Áo thiết lập quan hệ hữu nghị với Nga từ những năm 1950. Nguyên tắc “trung lập vĩnh viễn” là một phần của hiến pháp nước này kể từ năm 1955.
Do đó, nước này không phải là thành viên NATO. Vienna từ lâu đã được coi là tiếng nói đầy thiện cảm với Moscow ở châu Âu khi thường tìm cách làm trung gian hòa giải giữa các lợi ích chiến lược của Nga và châu Âu.
Hồi năm 2018, Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên Tổng thống Putin tới thăm sau khi tái nhậm chức. Khi đó, cựu Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói sẽ tận dụng khoảng thời gian đảm nhậm chức chủ tịch Hội đồng châu Âu vào nửa cuối năm 2018 để "từng bước cải thiện quan hệ giữa EU và Nga", theo DW.
Trong những năm gần đây, các đồng minh châu Âu quan sát chặt chẽ mối quan hệ giữa Áo và Moscow.
Trong chính phủ liên minh năm 2017 của cựu Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, các thành viên của đảng Tự do cực hữu (FPO) - vốn có quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin - đã có những giao dịch “nhạy cảm” với phía Nga. Điều này dẫn đến việc nhiều cơ quan tình báo phương Tây tạm ngừng chia sẻ thông tin với Vienna.
Kể từ khi chính phủ liên minh sụp đổ vào năm 2019, Áo nỗ lực để trấn an các đồng minh châu Âu về mối quan hệ với Nga.
Chuyến thăm của ông Nehammer tới Kyiv hôm 9/4 được nhiều người ca ngợi là ví dụ về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Áo và Moscow. “Đây là tín hiệu rất quan trọng đối với chúng tôi. Một tín hiệu gửi tới toàn thể châu Âu rằng Áo ủng hộ Ukraine và nhân dân Ukraine”, ông Zelensky nói trong cuộc gặp.
Vài ngày trước đó, Áo ra lệnh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga vì “hành vi không phù hợp với quy chế ngoại giao” - một cụm từ nhằm ám chỉ hoạt động gián điệp, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, Áo không nói việc trục xuất là vì hành động của Nga ở Ukraine. Việc trục xuất là bước đi mang tính biểu tượng, vì Nga hiện có 146 nhà ngoại giao tại Áo, theo Die Presse.
Trước đó, Ngoại trưởng Alexander Schallenberg nói Áo không trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga vì Vienna đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trừ khi họ vi phạm các quy định của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, TASS đưa tin.
Theo Reuters, rất đông nhà ngoại giao Nga hiện ở Áo. Vienna là nơi có trụ sở của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm...
Vì sao Áo “thân thiện” với Nga?
Áo phụ thuộc nhiều vào Nga về mặt kinh tế. 80% nhu cầu khí đốt của nước này được cung cấp bởi Nga.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Áo gắn bó mật thiết với các tổ chức tài chính và thương mại của Nga, cũng như các tổ chức ở Ukraine.
Mặc dù kiên quyết lên án hành động của Nga tại Ukraine và cùng các đồng minh châu Âu thực thi các biện pháp trừng phạt, Áo cũng tiếp tục thúc đẩy đối thoại với Moscow để giải quyết xung đột.
Do sự phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng, Áo bác bỏ EU ngay lập tức cấm vận lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.
Hôm 5/4, bộ trưởng Bộ Tài chính Áo nói rằng trong khi mục tiêu trung hạn là trở nên độc lập khỏi năng lượng từ Nga, việc chuyển đổi trong một sớm một chiều là “không thực tế”.
“Biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi nhiều hơn là Nga”, Bộ trưởng Magnus Brunner nói. “Nếu lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến bản thân (Áo) nhiều hơn, tôi không nghĩ đó là cách đúng đắn”.
Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm khí đốt của Nga, nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ “đánh nhầm người”.
Trong năm nay, trữ lượng khí đốt dự trữ của Áo thấp hơn những năm trước, chỉ ở khoảng 25%.
Hành động của chính phủ Áo trong chiến sự ở Ukraine tạo ra một làn sóng chỉ trích. Cuối tháng trước, FPO - đảng lớn thứ ba của Áo - đã kêu gọi "kế hoạch 5 điểm" để khôi phục tính trung lập của Áo, bao gồm cả việc bỏ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga .
Đảng đối lập Dân chủ Xã hội cũng có quan điểm tương tự. Tháng trước, đảng này đã cùng FPO phản đối việc cho phép tổng thống Ukraine phát biểu trước quốc hội vì cho rằng điều này sẽ vi phạm tính trung lập của Áo.