Vì sao Thụy Sĩ phớt lờ các điệp viên nước ngoài ?
Ngay sau khi Liên bang Nga tiến hành 'Chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine, có khoảng 500 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi các nước châu Âu. tất cả họ đều bị nghi ngờ tham gia hoạt động gián điệp dưới vỏ bọc. Và chỉ có Thụy Sĩ là nước chưa trục xuất một người Nga nào - không từ Bern, không từ Geneva.
Nghệ thuật không làm ai nổi giận
Theo Báo cáo của Cơ quan Tình báo liên bang Thụy Sĩ (NDB), đến năm 2023, có khoảng 220 người Nga làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của nước này ở hai thành phố Bern và Geneva. Và rất có thể, ít nhất một phần ba trong số họ vẫn còn làm việc cho các cơ quan tình báo Nga.
Thực ra, chiến tranh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao. Ở hầu hết thủ đô các nước châu Âu, mạng lưới gián điệp Nga rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. “Trong khi đó, ở Thụy Sĩ, các cơ quan tình báo Nga vẫn được tự do hành động, và với số lượng rất đông đúc”, - NDB chỉ rõ.
Báo cáo của NDB rất không phù hợp với thái độ vốn dễ dãi của giới lãnh đạo Thụy Sĩ (Chính phủ, Hội đồng Liên bang) đối với sự hiện diện của các điệp viên nước ngoài tại đây. Hoạt động của các cơ quan tình báo ở Thụy Sĩ bị cấm, nhưng với một điều kiện: nếu họ thu thập thông tin chính trị, kinh tế và quân sự gây thiệt hại cho các tổ chức, công ty của Thụy Sĩ và cá nhân sinh sống ở đây, sau đó cung cấp thông tin này cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài. Trên thực tế, rất khó chứng minh điều này và thực hiện các biện pháp đối phó nào đó.
Các cán bộ đại sứ quán được công nhận là người có tư cách ngoại giao thường thu thập loại thông tin này, nhưng đồng thời theo Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, họ được hưởng quyền miễn trừ và không phải chịu trách nhiệm hình sự, đặc biệt nếu chứng minh được rằng vào thời điểm thực hiện các hành vi đáng ngờ, người đó đang “thi hành công vụ”. Chỉ còn lại các biện pháp xử phạt hành chính, chẳng hạn, nếu một nhà ngoại giao vi phạm quy định đỗ xe.
Sau khi nhận được thông báo xử phạt, cán bộ ngoại giao có thể không trả đồng nào, và Bộ Ngoại giao nước sở tại chỉ còn cách thường xuyên gửi công hàm đến đại sứ quán nước đó yêu cầu xử lý cán bộ có thái độ trễ nải và nhắc nhở rằng, một lần nữa, theo Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, nhà ngoại giao có nghĩa vụ tuân thủ các quy định và phong tục của nước sở tại.
Rõ ràng, một mặt, trách nhiệm tuân thủ các quy định, và mặt khác, quyền miễn trừ ngoại giao tạo ra một “vùng xám” của pháp luật, trong đó người ta có thể sống khá thoải mái. Nhưng tất cả các vấn đề này đều liên quan đến câu chuyện đời thường và không quan trọng lắm. Còn hoạt động gián điệp là một vấn đề hoàn toàn khác. Bởi vì trong “vùng xám” này, những người làm việc cho các cơ quan hoàn toàn khác dưới vỏ bọc ngoại giao cũng sống rất tốt.
Chính vì vậy mà đối với cơ quan phản gián nước sở tại, việc theo dõi một điệp viên tình báo nước ngoài đã bị phát hiện đôi khi dễ chấp nhận hơn là ầm ĩ tố giác và ngăn chặn hoạt động của anh ta một cách thô bạo. Mà phát hiện một điệp viên không khó: ví dụ, nếu chính thức anh ta chỉ là một tùy viên bình thường, nhưng lại đi một chiếc ô tô siêu đắt tiền mang biển số ngoại giao.
Vả lại, trong tình huống bình thường, việc theo dõi một điệp viên đơn giản hơn (và rẻ hơn). Còn trục xuất các nhân viên đại sứ quán bị tuyên bố là “persona non grata” (“nhân vật không được hoan nghênh”), thậm chí trục xuất hàng loạt, là một hành động rất quyết liệt, gần như có nguy cơ cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Nhà sử học Thụy Sĩ Adrian H-nni, chuyên gia về lịch sử tình báo, nói: “Trong truyền thống ngoại giao của Thụy Sĩ, các biện pháp như vậy được coi là “phương sách cuối cùng”, hơn nữa, khi trục xuất người này thì ngay lập tức xuất hiện người kia”. “Tất nhiên, các quốc gia phương Tây gần đây quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga đều biết điều đó. Nhưng nếu họ sử dụng các biện pháp như vậy thì rõ ràng chỉ nhằm mục đích gửi đi một “thông điệp chính trị””.
“Bắt đầu từ tháng 2/2022, một số quốc gia châu Âu trục xuất các nhân viên tình báo Nga một cách rất cụ thể và có mục tiêu. Hơn nữa, trong một số trường hợp, quốc gia sở tại còn cắt giảm các chức vụ tương ứng khiến Moscow không thể thay thế điệp viên bị trục xuất bằng một điệp viên mới. Thụy Sĩ từ lâu tuân thủ truyền thống thụ động trong những vấn đề như vậy và không công khai bất cứ điều gì trong chừng mực có thể. Tất nhiên, ở hậu trường, Bern sẽ phàn nàn với đại sứ của các quốc gia tương ứng, nếu cán bộ của họ trở nên “quá khích”.
Geneva – “điểm nóng gián điệp” của châu Âu
Hiện nay, Geneva là nơi đặt trụ sở của 240 cơ quan ngoại giao nước ngoài, hàng chục tổ chức quốc tế và hàng trăm tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, việc nhiều điệp viên tình báo hoạt động ở đây là điều đương nhiên. Cùng với Brussels và Vienna, Geneva được coi là một trong ba “điểm nóng gián điệp” ở châu Âu. Trong Chiến tranh Lạnh, Vienna cũng được coi là “thành phố của gián điệp”. Thứ nhất, vì Áo cũng là một nước trung lập, và ở thủ đô của nước này, cũng như ở Geneva, có nhiều tổ chức quốc tế, kể cả Văn phòng Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Thứ hai, có một thời Vienna là cửa ngõ chính dẫn vào thế giới phương Tây của những người tị nạn từ các nước thuộc khối Xôviết và tất cả những người bị trục xuất khỏi Liên Xô. Ngoài ra, dòng người di cư Do Thái cũng đi qua Vienna. Còn vào thế kỷ XXI, Áo là điểm đến rất phổ biến của giới doanh nhân Nga và các nước khác trong không gian hậu Xôviết. Đây là những điều kiện gần như lý tưởng cho hoạt động gián điệp.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn là nơi thuận tiện hơn nhiều cho hoạt động gián điệp. Khác với Áo, Thụy Sĩ không là thành viên của Liên minh châu Âu, lại nằm ở trung tâm châu Âu, có hệ thống giao thông rất phát triển, đồng thời Thụy Sĩ mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, dựa trên nguyên tắc trung lập vĩnh viễn của mình. Ngoài ra, hoạt động tình báo rất tốn kém, còn Thụy Sĩ vốn là trung tâm dịch vụ tài chính có tầm quan trọng toàn cầu, quả là rất phù hợp với các mục đích tài trợ cho các hoạt động tình báo và che giấu nguồn gốc thực sự của các khoản tiền đó.
Mảnh đất màu mỡ cho hoạt động gián điệp
Tất cả những điều này cho phép tổ chức và thực hiện các chiến dịch phức tạp ở Thụy Sĩ, cụ thể là ở Geneva. Chẳng hạn, nhờ những tiết lộ của cựu công dân Mỹ và hiện là công dân Nga Edward Snowden, người ta biết rằng ở Geneva, Hoa Kỳ có Special Collection Service (Cơ quan Thu thập Đặc biệt), một loại trạm giám sát dành cho các hoạt động nghe lén điện thoại. Được biết, năm 2015, Israel đã theo dõi tiến trình đàm phán giữa phương Tây và Iran về vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran ở đây. Vào những năm 1950, các cơ quan tình báo Pháp cảm thấy thoải mái ở Geneva đến mức họ thậm chí không né tránh các âm mưu ám sát. Hiện tại, cơ quan phản gián Thụy Sĩ đang tập trung chú ý vào các hoạt động gián điệp của Nga cũng như Trung Quốc và Iran.
Căn cứ vào các kết luận của Cơ quan Tình báo liên bang Thụy Sĩ, các nước này có những lợi thế đặc biệt của mình: nếu như Nga tham gia vào các hoạt động gián điệp cổ điển nhằm chống lại các quốc gia khác, thì Trung Quốc và Iran lại chủ yếu hoạt động gián điệp chống lại cộng đồng hải ngoại của họ. Tuy nhiên, ông Adrian H-nni không hoàn toàn đồng ý với nhận định như vậy. “Ở đây rất khó phân biệt một cách rõ ràng. Dĩ nhiên, hoạt động gián điệp của Nga cũng nhằm vào các công dân Nga đang sống hoặc lưu trú tại Thụy Sĩ, trong khi Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm gần đây, đã tăng cường đáng kể hoạt động tình báo nhằm vào các nước láng giềng Thụy Sĩ. Đặc biệt là sự gia tăng số lượng các chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận phương Tây” - ông nói.
Thụy Sĩ hiểu rằng hoạt động ngoại giao dựa trên nguyên tắc có đi có lại: chẳng hạn, gần đây Nga đã trục xuất một số lượng lớn các nhà ngoại giao Đức khỏi Moscow, kể cả các nhân viên của Viện Goethe, sau đó là phản hồi từ Berlin, và một số lãnh sự quán Nga ở Đức đã bị tước quyền cung cấp dịch vụ lãnh sự. Những động thái quá quyết liệt của Bern trong khu vực này có thể dẫn đến các hành động trả đũa của Điện Kremlin, và tòa nhà hiện đại, mới xây của Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Moscow có thể trở nên vắng vẻ. Mặt khác, Thụy Sĩ đã bị Điện Kremlin đưa vào danh sách “các nước không thân thiện”.
Thụy Sĩ và việc né tránh lệnh trừng phạt
Theo quan điểm của ông Adrian H-nni, báo cáo mới nhất của NDB không chỉ ra mối nguy hiểm chính có thể đe dọa Thụy Sĩ. Vấn đề là Thụy Sĩ có thể trở thành trung tâm thế giới để lách các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Moscow. Đã có những ví dụ trong quá khứ. “Trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Sĩ đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức chuyển giao công nghệ từ Tây sang Đông, bỏ qua lệnh cấm vận. Hiện nay, việc chuyển giao như vậy diễn ra ngay cả dưới hình thức quan hệ kinh doanh thông thường với các công ty của Thụy Sĩ đang hoạt động thương mại hoàn toàn trung thực, đồng thời hàng hóa có công dụng kép vẫn đến Nga, thông qua các nước thứ ba”.
Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ cao từ phương Tây. Ví dụ, hiện nay họ đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng các phi đội máy bay chiến đấu không người lái hiện đại. Chính vì vậy mà Moscow dự kiến sẽ mở rộng hoạt động trong lĩnh vực gián điệp chính trị và kinh tế trong tương lai gần. “Báo cáo nêu trên của NDB tạo mọi lý do cho Thụy Sĩ chấm dứt thái độ thụ động. Tuy nhiên, hiện tại, chính phủ nước này vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế truyền thống trong lĩnh vực này”, - ông Adrian H-nni kết luận.