"Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ kết luận không thể bán 96 xe tăng theo luật hiện tại. Thương vụ như vậy sẽ trái với Đạo luật Vật tư Quân sự và dẫn tới thay đổi chính sách trung lập của Thụy Sĩ", Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ngày 28/6 thông báo.
Được biết, công ty Ruag của Thụy Sĩ đã mua lại 96 xe tăng Leopard 1A5 của Italy vào năm 2016, song chưa bao giờ chuyển lô xe tăng này về nước.
Hãng Ruag lên kế hoạch bán số xe tăng này cho nước thứ ba sau khi tân trang lại chúng.
Hãng Ruag hồi đầu năm xin giấy phép xuất khẩu số xe tăng này cho tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall, bên dự định tân trang và bán chúng cho Ukraine.
Thụy Sĩ từng nhiều lần phản đối xuất khẩu hoặc từ chối cấp phép tái xuất vũ khí do nước này chế tạo sang cho một bên xung đột tại Đông Âu.
Điều này do trạng thái trung lập, một trụ cột chính trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ, không cho phép nước này tham gia vào xung đột của hai quốc gia khác hoặc cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ bên tham chiến nào.
Thụy Sĩ trong bất cứ hợp đồng bán vũ khí và vật tư quân sự nào đều yêu cầu đối tác không chuyển giao chúng sang nước thứ ba nếu Bern không đồng ý trước.
Trong trường hợp quốc gia thứ ba đang liên quan đến xung đột vũ trang trong nước hoặc quốc tế, Thụy Sĩ sẽ từ chối cấp phép xuất khẩu vũ khí và đạn dược.
Đây là các thông lệ mà quốc tế công nhận rộng rãi.
Hãng Rheinmetall của Đức ngày 4/3 cho biết họ muốn mua 96 xe tăng Leopard 1 từ công ty Ruag, sau đó tân trang và chuyển cho Kiev.
Đức khi đó cũng đề nghị Thụy Sĩ bán lại một số xe tăng Leopard 2 đã loại biên để bù đắp thiếu hụt trong quân đội các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Leopard 1 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế và sản xuất tại Tây Đức, chúng chính thức đi vào biên chế năm 1965.
Loại xe tăng này nhanh chóng trở thành mẫu xe tăng tiêu chuẩn của các lực lượng vũ trang châu Âu.
Leopard 1 cũng là xe tăng chiến đấu chủ lực tại hơn 10 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 1980 một chương trình nghiên cứu cải tiến dành cho xe tăng Leopard 1 đã được Đức tiến hành.
Đầu tiên là phiên bản xe tăng Leopard 1A1, ở biến thể này được trang bị một hệ thống điều khiển hỏa lực mới cho phép tác chiến ban đêm và trong thời tiết xấu.
Phiên bản Leopard 1A2 có lớp giáp bảo vệ tháp pháo tốt hơn, hệ thống bảo vệ chống cháy cải tiến và thiết bị nhìn đêm mới.
Phiên bản Leopard 1A3 được nâng cấp với tháp pháo hàn mới với giáp composite, đồng thời bệ pháo được gia cường tốt hơn.
Phiên bản Leopard 1A4 có bề ngoài tương tự như Leopard 1A3, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa mới và hệ thống ngắm cũng mới.
Leopard 1A5 được phát triển vào cuối thập niên 1980. Nó được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và thiết bị nhìn đêm cải tiến.
Tháp pháo ở phiên bản này được thiết kế lại để mang pháo nòng trơn 120 mm Rheinmetall, ngoài ra giáp xe cũng được tăng cường đáng kể.
Tổng cộng 1.300 xe tăng Leopard 1A1/A2 đã được cải tiến theo gói nâng cấp này và nhận tên gọi Leopard 1A5.
Những xe tăng Leopard 1A5 đầu tiên được chuyển giao cho Quân đội Đức vào đầu năm 1987 sau đó chúng được chuyển giao cho các đồng minh khối NATO.
Thông số cơ bản của xe tăng Leopard 1A5: Trọng lượng 42,2 tấn; chiều dài 9,54 m (với pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,37 m; chiều cao 2,7 m.
Leopard 1A5 được trang bị động cơ diesel 10 xi lanh MTU MB 838 CaM 500 công suất 819 mã lực, cho tốc độ tối đa 65 km/h trên đường tốt.
Ngoài pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm L/55 (tương đương với phiên bản Leopard 2A6) xe còn được trang bị thêm 2 súng máy 7,62 mm.
Hiện nay vẫn còn hàng ngàn chiếc xe tăng Leopard 1A5 đang còn hoạt động trong biên chế một số nước.
So với các xe tăng hiện đại thì Leopard 1A5 có hệ thống giáp mỏng manh hơn.
Tuy nhiên thời điểm ra đời, người Đức ước tính rằng xe tăng T-62 của Liên Xô chỉ có thể xuyên thủng giáp trước của Leopard 1 ở cự ly 2 - 2,5 km tùy theo phiên bản.
Trong khi xe tăng T-64 và T72 mới hơn của Liên Xô cũng chỉ có thể xuyên thủng nó ở cự ly hơn 3.km.
Với việc trang bị pháo Rheinmetall 120 mm L/55, xe tăng Leopard 1A5 có thể xuyên thủng các xe tăng đối thủ ở cự ly từ 4 -5 km.
Dù ra đời đã lâu, nhưng nhờ việc nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực và trang bị khẩu pháo uy lực, Leopard 1A5 vẫn là dòng chiến xa đáng sợ trên chiến trường.
Hiện Đức vẫn đang chào bán loại xe tăng này với cái giá rẻ bất ngờ khi chỉ vào khoảng 400.000 - 500.000 USD/chiếc.