Vì sao tiền ảo tiếp tục bị 'phong sát' ở Trung Quốc
Theo Bloomberg nhận định, Trung Quốc đang cấm tiền kỹ thuật số vì họ muốn nắm trong tay việc quản lý lĩnh vực mới, có khả năng trị giá hàng nghìn tỷ USD này.
Trung Quốc tuần này đã gây náo loạn thị trường tài chính khi thông báo cấm tất cả giao dịch liên quan đến tiền mã hóa (crypto), một động thái dứt khoát hơn nhấn mạnh quan điểm họ đã nêu năm 2013.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh nước này đã trở thành thị trường giao dịch và khai thác tiền mã hóa hàng đầu thế giới.
Những đồng tiền được nhiều người săn đón như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin… nhanh chóng ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Ảnh minh họa
Với động thái mới nhất của mình, Trung Quốc gia nhập nhóm nhỏ các quốc gia cấm tiền số. Quan điểm này ngược lại của El Salvador, nơi đã công nhận tính hợp pháp của Bitcoin và được những người theo chủ nghĩa tự do cũng như những người tin tưởng loại tiền số này ca ngợi.
Theo Bloomberg nhận định, không phải các chính phủ như Trung Quốc đang cấm tiền kỹ thuật số vì họ nhất thiết muốn đánh bại công nghệ này. Mà đó là vì họ muốn nắm trong tay việc quản lý lĩnh vực mới, có khả năng trị giá hàng nghìn tỷ USD này.
Trung Quốc hiện đặt mục tiêu ứng dụng đồng nhân dân tệ điện tử của riêng mình. Họ là một trong 81 quốc gia đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình, với những nhà tiên phong nhỏ khác như Venezuela và Estonia, và nay có cả các nước lớn như Mỹ.
Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có lợi thế khi bắt đầu triển khai diện rộng đồng nhân dân tệ điện tử, tiến tới đưa nó quốc tế hóa. Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, một số chính trị gia Mỹ thậm chí còn muốn cấm các vận động viên nước nhà sử dụng đồng tiền nhân dân tệ điện tử khi ở Trung Quốc.
"Đối với Trung Quốc, tôi nghĩ rõ ràng là họ muốn quảng bá đồng nhân dân tệ điện tử và họ chỉ đơn giản là quan tâm đến sự cạnh tranh", Nicolas Christin, Phó giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, bình luận.
Trung Quốc cho biết 10 cơ quan quản lý, bao gồm cả ngân hàng trung ương, sẽ phối hợp cùng nhau để theo dõi hoạt động liên quan đến tiền số.
Lệnh cấm thậm chí còn nói rằng các sàn giao dịch ở nước ngoài bị cấm cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư đại lục.
Randall Kroszner, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, cho biết các động thái của Trung Quốc trong vài năm qua đã siết chặt được các giao dịch. "Ngay cả với VPN, nhà đầu tư có thể rất khó kết nối và có thể bị chậm lại", ông nói.
Theo ông Matt Hougan, các chính phủ đàn áp tiền số vì hai lý do. Họ muốn hạn chế khai thác số vì quá trình đào và xác minh các giao dịch tốn nhiều năng lượng.
Thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, họ muốn giám sát các giao dịch tiền tệ. Các chính phủ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào đối với các loại tiền kỹ thuật số mà họ đang và sẽ tạo ra.