Vì sao tiếng còi méo của trọng tài làm chao đảo V.League
Tiếng còi méo của trọng tài là nỗi ám ảnh của các đội bóng từ V-League đến hạng Nhất. Vì vậy trọng tài không phải lúc nào cũng nhận cái nhìn thiện chí ngay cả người trong cuộc.
Đội bóng rất sợ những tiếng còi lệch lạc của trọng tài. Còn giới trọng tài sợ trên đe dưới búa, sợ hủy hoại cả sự nghiệp và sợ miệng lưỡi thế gian nhiều đường lắt léo. Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền thừa nhận giới trọng tài mùa này sai sót nhiều do lực lượng mỏng, sức ép dày khi các giải đấu thay đổi thể thức thi đấu khiến trận nào cũng căng như trận chung kết.
Trọng tài là con người, cầu thủ là con gì?
Từ thời trưởng ban Nguyễn Văn Mùi, cụm từ “trọng tài cũng là con người, phải có sai sót” dùng để bao biện cho thuộc cấp cứ nhắc đi nhắc lại. Nó nhàm chán đến nỗi chẳng ai muốn nghe và bầu Đức từng to tiếng hô hào VFF... đuổi ông Mùi thì trọng tài sẽ tốt lên. Thậm chí, trưởng đoàn của Hoàng Anh Gia Lai còn giễu nhại câu nói này một cách chua chát: “Trọng tài là con người. Vậy cầu thủ là con gì?”.
Tuy nhiên, khi ông Mùi đã không còn làm trong Ban trọng tài nữa, giới trọng tài dưới thời người kế nhiệm cũng chưa khá lên nổi. Một tiếng còi làm thay đổi số phận của trận đấu đã cướp đi biết bao công sức, tiền của cả một tập thể. Đó là chưa nói đến góc nhìn méo mó của nhà tài trợ khi cố gắng làm bóng đá tử tế sau những mùa bão giông.
“Còi vàng” 2018 Ngô Duy Lân thừa nhận mùa giải này có phần áp lực và căng thẳng hơn nhiều những mùa qua, khi các đội đá phân nhóm sau 13 lượt đều xem trận nào cũng như chung kết. Trong khi đó, giới trọng tài trẻ vừa lên vẫn chưa đủ tuổi về bản lĩnh tay nghề, lẫn khả năng chịu sức ép không bình thường ở mùa giải chạy đua với thời gian hậu COVID-19.
Một trọng tài có uy tín và vững tay nghề ở V-League tâm sự: “Làm trọng tài ở Việt Nam rất khó! Áp lực từ các phía trong trận đấu, áp lực của dư luận xã hội lớn đến nỗi có nhiều trọng tài chịu không nổi phải bỏ nghề. Sai sót của trọng tài khó tránh khỏi, nhưng thật khó lý giải về những gì đã xảy ra, cứ như “ma làm”. Anh em bây giờ cũng tự hứa với nhau sẽ giảm thiểu sai sót, chỉ có mình mới cứu mình được thôi”.
Cũng vì “ma làm” mà hồi năm ngoái, trọng tài FIFA Trương Hồng Vũ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi chỉ sau một lần “bẻ còi” trên sân Hàng Đẫy. Khi đó, ông công nhận bàn thắng không hợp lệ của CLB Bình Dương vào lưới Viettel rồi lại phủ nhận.
Luật im lặng và chiếc áo giáp của trọng tài
Hơn 10 năm trước, hàng chục trọng tài xộ khám vì “ăn bẩn”. Những tác động làm sai lệch kết quả trận đấu đã làm rúng động làng bóng. Hồi đó, ông Trưởng ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi rất tự hào về một lực lượng trọng tài dồi dào và đặc biệt là “đạn bắn không thủng”. Nhưng nghiệt nỗi, quy định nhập nhằng, ban tổ chức sân địa phương có trách nhiệm lo chi phí ăn ở, đi lại cho trọng tài,... bị biến tướng đã nảy sinh ra nhiều tiêu cực ngoài tầm kiểm soát.
Nhớ năm 2006, các trọng tài ra tòa khai có nhận bồi dưỡng trận này, trận kia, thổi có lợi cho đội này đội kia, người ta mới biết đạn bắn không thủng nhưng đồng tiền nặng ký bắn thủng hết mọi thứ. Mãi sau này, cựu trọng tài Từ Minh Đăng mới tự thú cái thời ấy, bất cứ trọng tài nào cũng nhận tiền của CLB, không nhiều thì ít mà “thằng nào không “ăn” là thằng đó ngu”.
Khi mảng tối của giới trọng tài bị cơ quan an ninh bóc tách, người ta mới vỡ lẽ một sự thật hơn cả trần trụi bấy lâu nay được che đậy bởi luật im lặng và những chiếc áo giáp mặc cho “vua sân cỏ”.
Theo đó, những vi phạm hay án kỷ luật của trọng tài chỉ là việc của người trong nhà đóng cửa bảo nhau vì quy định của FIFA. Trọng tài có “dây mạnh” vẫn có cửa hành nghề như chẳng có gì xảy ra. Dân trong làng vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện cười ta nước mắt về một ông chủ quán karaoke ở Đà Nẵng, bỗng dưng một ngày được đặc cách làm trọng tài thì đủ hiểu trình độ cỡ nào.
Các nhà làm bóng đá sau này dần hoàn thiện quy chế, như việc VPF lo mọi thứ cho trọng tài, nói trắng ra là bỏ tiền thuê họ làm nhiệm vụ và cũng có quyền không mời trọng tài dính “phốt”, không cần biết lỗi nặng hay nhẹ. Cộng thêm với những cái án hình sự lẫn tiếng tăm bị hoen ố từ những người tiền nhiệm, giới trọng tài bây giờ có muốn cũng khó lòng dính đến đồng tiền đen.
Thế nhưng luật im lặng trong giới trọng tài vẫn áp dụng mà rất hiếm hoi người ta mới biết trọng tài Phúc Hoan và trợ lý Hoài Tâm vừa bị treo còi, treo cờ 4 trận vì sai sót trong trận Nam Định thua khách Hải Phòng. Quy định không công bố hình thức kỷ luật trọng tài thỉnh thoảng vẫn bị rò rỉ, như một cách xoa dịu dư luận. Vì nói thật, đình chỉ nhiệm vụ trọng tài vĩnh viễn như CĐV Nam Định thu thập 10.000 chữ ký yêu cầu sa thải hai trọng tài này khó xảy ra. Đơn giản việc loại hết trọng tài có sai sót thì lấy ai mà làm?
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng không cho phép các CLB khiếu nại về bàn thắng hay không bàn thắng, việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền,... như những chiếc áo giáp cho giới trọng tài mà nếu đội bóng có chết oan cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Trường hợp này đã xảy ra ở vòng 8 khi giám sát trọng tài Lương Thế Tài và giám sát trận đấu Hoàng Ngọc Tuấn không nhận đơn kiện của Sông Lam Nghệ An sau trận thua Quảng Nam 1-2 vì không đúng luật.
Chính cái “luật im lặng” và những “chiếc áo giáp” cho trọng tài vô tình càng gây nên sự giận dữ từ các CLB. Như trưởng đoàn Quảng Nam Nguyễn Húp, HLV Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định đều nói trọng tài sai chỉ cấm vài trận rồi cho hành nghề lại, nhưng hậu quả các đội bóng phải gánh chịu là rất lớn.
Cho nên giải chuyên nghiệp Việt Nam sắp sửa tròn 20 tuổi mà các CLB vẫn nơm nớp sợ trọng tài cướp trắng trợn công sức của họ trong từng trận đấu là có thật. Giải pháp mời trọng tại ngoại mùa COVID-19 ở các nước bất khả thi, còn công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR) mới chỉ là cái “bánh vẽ” của VPF.
Chúng tôi đang nói sai phạm của trọng tài thuần túy về mặt chuyên môn nghiệp vụ yếu kém, còn trọng tài dính lỗi tư tưởng thì loạn và chỉ có cơ quan điều tra vào cuộc như cách đây hơn 10 năm mới biết trắng đen.
Nỗi cô đơn của “vua sân cỏ”
Giới trọng tài đơn độc giữa sức ép bủa vây khi các nhà làm giải không, hoặc chưa có động thái nào chấn chỉnh các hành vi từ phía đội bóng mà Ban trọng tài thấy lẽ ra cần được bảo vệ.
Là một bộ phận chức năng của VFF mang tiếng là “cấp trên” Công ty tổ chức bóng đá chuyên nghiệp (VPF) nhưng Ban trọng tài chẳng khác gì mang thân phận của người làm thuê. Ai cũng thấy, giới trọng tài không có tiếng nói trọng lượng và chịu sự giám sát ngặt nghèo của VFF lẫn phụ thuộc vào VPF cùng cái quyền không mời trọng tài từng có sai sót, bất chấp sự “bảo kê” của Ban trọng tài.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Ban trọng tài với các nhà tổ chức VPF không hẳn lúc nào cũng thuận, nếu không muốn nói là “cơm không lành, canh không ngọt”. Cách đây hai năm, phó ban trọng tài Dương Văn Hiền từng có xung đột với Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng gây ầm ĩ làng bóng qua đoạn băng ghi âm đòi đánh nhau đã khiến cho người trong cuộc dẫu có bằng mặt thì bây giờ cũng khó mà bằng lòng nhau.
Dễ thấy nhất là sau những sự cố trên sân cỏ liên quan đến giới trọng tài, không có ai đứng ra bảo vệ họ. Rất nhiều lần ông Hiền đề nghị các nhà tổ chức giải phạt răn đe các CLB để gia giảm sức ép cho trọng tài, nhưng lời nói của ông trưởng ban như ném đá ao bèo.
Chẳng hạn, giới trọng tài vừa bức xúc lại vừa sợ hãi như trường hợp Chủ tịch CLB Quảng Nam – ông Nguyễn Húp xông vào tận phòng tổ trọng tài Nguyễn Đình Thái mắng “vua sân cỏ” sau trận thua B. Bình Dương, khi bên ngoài là những phần tử quá khích đập vỡ cửa kính.
Hay ở sân Bình Dương trong trận tiếp Hà Nội, các trọng tài một phen xanh mặt khi bị HLV thủ môn của đội chủ nhà hằn học dạy dỗ cách thay người, dưới mồi lửa manh động từ khán đài trông rất phản cảm.
Dĩ nhiên, sai sót của trọng tài có lợi cho đội bóng thì người trong cuộc vui như tết. Như khi tổ trọng tài Nguyễn Minh Thuận công nhận bàn thắng cho Quảng Nam trận thắng SL Nghệ An 2-1, HLV Đào Quang Hùng khuyên nhủ các CLB phải biết chấp nhận vì cuộc chơi nó thế (!?).
Đáng nói là những tiếng kêu của Ban trọng tài không lọt tai VPF nhưng khi các nhà điều hành giải than thở là VFF ra tay nhanh chóng. Mới nhất, VFF gửi công văn cho Ban trọng tài yêu cầu kiên quyết kỷ luật trọng tài, giám sát trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Đồng thời, VFF đề nghị Ban trọng tài nêu cao tinh thần trách nhiệm, rõ ràng và minh bạch trong công tác chỉ định, phân công trọng tài tại các trận đấu.
Vậy hóa ra Ban trọng tài thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa rõ ràng và minh bạch phân công trọng tài hay sao? Có phải giới trọng tài đang rất cô đơn giữa áp lực dư luận, các đội bóng trong lúc đối tác và cấp trên dễ dàng đè nén theo kiểu trên đe dưới búa hay không?
Và trong lúc bóng đá Việt Nam còn chờ đợi mòn mỏi sau mùa chuyển giao lực lượng có nhiều hơn hai trọng tài FIFA Hoàng Ngọc Hà, Ngô Duy Lân, các CLB vẫn buộc phải sống chung với sai sót của trọng tài, không thể tránh khỏi.