Vì sao Tina Duong buộc phải có luật sư bào chữa?

Theo luật sư, do Vân Anh bị khởi tố với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, bị can phải có người bào chữa theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án Ninh Thị Vân Anh (Tina Duong, 27 tuổi, quê Bắc Giang) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chiếc ôtô trị giá hơn 774 triệu đồng, Công an tỉnh Bình Thuận mới đây đã có văn bản gửi VKSND cùng cấp và Đoàn Luật sư tỉnh này về việc yêu cầu phân công người bào chữa cho bị can. Động thái này được thực hiện sau khi Vân Anh không mời luật sư bào chữa cho mình trong vụ án.

Theo quy định pháp luật, những trường hợp nào bị can/bị cáo buộc phải có người bào chữa? Trong vụ án liên quan Vân Anh, bị can có thuộc trường hợp phải có người bào chữa không?

 Chiếc ôtô là tang vật vụ án. Ảnh: T.T.

Chiếc ôtô là tang vật vụ án. Ảnh: T.T.

Luật sư Ngô Văn Thạnh (Công ty Luật The Light) cho biết trong vụ án hình sự, nếu không có người bào chữa, người bị buộc tội có thể tự bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật quy định đối với một số trường hợp đặc biệt, người bị buộc tội phải có luật sư hoặc người bào chữa trong vụ án.

Trích dẫn Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ông Thạnh cho biết có 2 trường hợp mà bị can, bị cáo bắt buộc phải có luật sư hoặc người bào chữa. Đó là trường hợp bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình hoặc người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể bào chữa; nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Trong 2 trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ nếu họ không có người bào chữa.

Đối với người bào chữa, người đó có thể là luật sư được chỉ định, trợ giúp viên pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc bào chữa viên nhân dân do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa.

Đối chiếu với trường hợp này, luật sư cho biết với việc Tina Duong bị cáo buộc chiếm đoạt chiếc xe trị giá trên 778 triệu đồng, hành vi của bị can thuộc tình tiết định khung tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cho tội danh này là 12-20 năm tù.

Mức án cao nhất mà bị can phải đối mặt là 20 năm tù. Do đó, trong vụ án hình sự này, Vân Anh bắt buộc phải có người bào chữa.

Bình luận thêm về vấn đề này, luật sư Thạnh cho biết dù có người bào chữa chỉ định, người bị buộc tội và người đại diện, người thân thích của họ vẫn có thể yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Trường hợp bị can hoặc bị cáo từ chối người bào chữa, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội, đồng thời chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tina-duong-buoc-phai-co-luat-su-bao-chua-post1371455.html