Vì sao TNS Holdings 'chi bạo' hơn 500 tỷ để gom gần 32 triệu cổ phiếu MSB?
Để thực hiện cả 2 đợt giao dịch này, TNS Holdings sẽ phải chi ra 535 tỷ đồng để gom cổ phiếu MSB.
Ngày 2/11, HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (HoSE: TN1) vừa thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần do Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành từ CTCP Bất động sản Xây dựng Hưng Thịnh.
Theo đó, MSB chuyển nhượng 10 triệu cổ phần với giá 23.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng 230 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29/10, HĐQT TN1 cũng đã thông qua việc nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ CTCP Xây dựng TNCons Việt Nam với giá 14,000 đồng/cp, tương ứng 305 tỷ đồng.
Như vậy, để thực hiện cả 2 đợt giao dịch này, TNS Holdings sẽ phải chi ra 535 tỷ đồng để gom cổ phiếu MSB.
Hiện TNS Holdings có vốn điều lệ 175,5 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Đầu tư Sao Hôm nắm chủ yếu với 80% vốn, các cổ đông cá nhân như Nguyễn Thị Thanh Hương, Hà Thị Bích Hạnh, Trần Việt Hương và Nguyễn Đức Phương đều cùng nắm giữ hơn 4,6% vốn.
Ngoài ra, ngày 30/10 vừa qua, CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT đã gom vào hơn 2,55 triệu cp TN1, tương ứng 11,94% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Lợi nhuận 9 tháng của TN1 chỉ ghi nhận gần 76 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ. Tại thời điểm 30/9/2020, tiền và các khoản tương đương của TNS Holdings tăng khá lên 566 tỷ đồng, tuy nhiên nợ ngắn hạn cũng ở mức cao 346 tỷ đồng.
MSB làm ăn thế nào?
Về MSB, lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 của nhà băng này tăng 57% và 53% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1,666 tỷ đồng và gần 1,328 tỷ đồng.
Với kế hoạch đạt 1,439 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020, MSB đã vượt 16% so với chỉ tiêu đã đặt ra chỉ sau 9 tháng.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của MSB tăng 6% so với đầu năm, đạt hơn 166,489 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 15% (73,430 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng xấp xỉ đầu năm (80,029 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu của MSB tăng 31% so với đầu năm lên 1.702 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (gấp 2.4 lần) và nợ nghi ngờ (gấp 2.1 lần) tăng mạnh nhất. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MSB tăng từ mức 2.04% hồi đầu năm lên mức 2.32%.
Còn cổ đông lớn của MSB tại thời điểm 31/12/2019 duy nhất chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với 6,09% vốn.