Vì sao tội phạm tình dục có thể hoành hành ở Hàn Quốc
Sự lỏng lẻo của hệ thống pháp luật Hàn Quốc và tư tưởng gia trưởng vốn ăn sâu vào lối suy nghĩ của nam giới nước này đã dung túng cho tội phạm tình dục ngày một phát triển.
Chỉ tính riêng năm 2017, chính quyền thành phố Seoul đã phát hiện 6.500 trường hợp đặt máy quay lén thân thể phụ nữ tại buồng thử đồ, nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm…
Các nhà chức trách phải thuê tới 8.000 công nhân để kiểm tra các nhà vệ sinh công cộng trong thành phố có bị đặt máy quay lén hay không. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tiếp diễn bởi những kẻ phạm tội chỉ cần mất khoảng 15 phút là có thể dễ dàng lắp một máy quay siêu nhỏ.
Hàng loạt vụ án
Năm 2019, showbiz Hàn Quốc chấn động với scandal nhóm chat tình dục của Jung Joon Young và nhóm bạn. Thời điểm đó, hàng loạt nghệ sĩ nam như Yong Joon Hyung, Choi Jong Hoon, Roy Kim... bị phát hiện đã tham gia xem hoặc chia sẻ những video quay lén cảnh quan hệ tình dục hay thậm chí là hiếp dâm.
Vụ án này chưa đi đến hồi kết thì dư luận lại một lần nữa chấn động với "phòng chat thứ N" trên nền tảng Telegram, nơi người dùng chia sẻ công khai những video bạo lực, khiêu dâm, xúc phạm thân thể phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, "phòng chat thứ N" có 74 nạn nhân, trong đó có 16 người là trẻ vị thành niên. Nạn nhân nhỏ nhất là học sinh tiểu học 11 tuổi. Một người phụ nữ không chịu nổi cảnh bị những gã đàn ông làm nhục đã chọn cách tự sát để giải thoát.
Những kẻ cầm đầu nắm giữ thông tin cá nhân của nạn nhân, rồi đe dọa họ quay video bị bạo lực tình dục. Sau đó, những video này đã được bán cho khoảng 260.000 người đàn ông khác nhau với mức giá từ 199-1.235 USD thông qua bitcoin.
Kẻ cầm đầu “phòng chat thứ N” là Cho Joo Bin (25 tuổi). Ngoài Cho, 13 đồng phạm khác đã bị cảnh sát Seoul bắt giữ. Cho bị cáo buộc dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ và trẻ vị thành niên, tra tấn và hãm hiếp họ để quay video, cùng hàng loạt tội danh khác như buôn bán trái phép, cung cấp và lan truyền các video khiêu dâm về nô lệ tình dục của phụ nữ, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, đánh cắp thông tin cá nhân, đe dọa giết người...
Theo Koreaboo, phía cảnh sát Hàn Quốc khẳng định sẽ tiến hành hợp tác điều tra sâu rộng cùng FBI để giải quyết các vụ án xoay quanh "phòng chat thứ N". Trong đó, không chỉ những người điều hành nhóm chat bị xử lý hình sự, mà kể cả người dùng từng tham gia nhóm chat cũng có thể đối diện vòng lao lý.
Sau vụ án Cho Joo Bin, cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục bắt giữ nghi phạm 16 tuổi có cùng hành vi tổ chức, phát tán các video khiêu dâm. Người này có biệt danh là Pacific Ocean (Thái Bình Dương) lập phòng chat khoảng 8.000-20.000 thành viên mang tên “Cuộc thám hiểm Thái Bình Dương” vào tháng 10/2019 trên ứng dụng Wire.
Tháng 7 vừa qua, cố Thị trưởng Seoul Park Won Soon bất ngờ tự sát sau khi bị thư ký đệ đơn tố cáo ông quấy rối và tấn công tình dục cô trong nhiều năm.
Trớ trêu thay, ông Park vốn là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhiều thập kỷ qua với những phát biểu thẳng thắn, không run sợ trước quyền lực, công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới và nữ quyền. Khi còn làm luật sư đầu thập niên 90, ông đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên của Hàn Quốc.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Son Jong Woo (23 tuổi), kẻ đứng sau trang web Welcome To Video chuyên về video khiêu dâm trẻ em, đã được thả sau khi ngồi tù chỉ 18 tháng. Được biết, website của Son có tới 3.000 video với số hội viên khoảng 1,28 triệu người ở 32 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Đức.
Phiên tòa xét xử Son kết thúc vào tháng 5/2018 với mức án chỉ bằng một kẻ ăn trộm ở Hàn Quốc. Vốn dĩ, tên này còn bị truy tố tại Mỹ với nhiều tội danh liên quan đến khiêu dâm trẻ em và có thể nhận mức án tù tới 30 năm nếu bị dẫn độ tới Mỹ. Tuy nhiên, tòa án cấp cao Seoul từ chối lời đề nghị.
Hệ thống pháp luật không nặng tay
Lee Hyeon Sook, người đứng đầu Tổ chức giáo dục thanh viên về quyền tình dục Tacteen Naeil, cho biết xã hội Hàn Quốc có thói quen nghi ngờ nạn nhân thay vì hung thủ.
“Ở xứ sở kim chi, cáo buộc bạo lực tình dục đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng thay vì đánh giá tình hình của nạn nhân”, ông cho biết.
Phóng viên Park Da Hae của tờ The Hankyoreh cho biết việc bắt các nạn nhân phải “chứng minh” từng bị tấn công tình dục là kỳ vọng phi thực tế. Chưa kể Luật Hình sự Hàn Quốc chứa nhiều yếu tố giảm nhẹ bản án cho hung thủ, bao gồm say rượu, có người phụ thuộc hoặc bày tỏ sự hối hận về hành vi phạm tội.
Năm 2019, có khoảng 1/3 số tội phạm tình dục được tuyên bố giảm án do “có sự ăn năn, hối cải” được thể hiện thông qua bản kiểm điểm trình lên trước tòa.
Theo Sách Trắng về Tội phạm tình dục năm 2020 do Bộ Tư pháp công bố, chỉ khoảng 26% những người bị buộc tội tấn công tình dục phải đi tù trong suốt 12 năm qua. Hầu hết chỉ nộp một khoản tiền phạt nhỏ rồi lặng lẽ trở lại đời sống bình thường.
Thậm chí, số liệu về những kẻ lén ghi âm, ghi hình khi không được cho phép, hoặc đăng tải hình ảnh, video khiêu dâm của nạn nhân để “trả thù tình” phải chịu án phạt còn thấp hơn nữa.
Ngoài ra, bất kỳ mối quan tâm nào liên quan đến tính mạng của nạn nhân “đều bị xóa bỏ”, đến mức nữ phóng viên tự hỏi liệu các cơ quan tư pháp có nhận thức được tác hại do lạm dụng tình dục gây ra hay không.
Trên thực tế, người dân Hàn Quốc bắt đầu kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm tình dục vào năm 2008, sau vụ án Cho Doo Soon (khi ấy 57 tuổi) cưỡng hiếp tàn bạo một bé gái mới chỉ 8 tuổi, khiến phần bụng và xương chậu của nạn nhân bị thương nặng.
Ban đầu, tòa kết án kẻ hiếp dâm 15 năm tù. Nhưng sau một phiên tòa phúc thẩm, Cho Doo Soon được giảm thời hạn tù xuống còn 12 năm do hắn khẳng định đang say rượu khi hiếp dâm cô bé. “Lúc đó tôi không nhớ gì cả”, tên tội phạm nói.
Phán quyết của tòa phúc thẩm đã khiến cả xứ sở kim chi dậy sóng, cho rằng mức án này không hề thỏa đáng so với những gì cô bé phải chịu đựng. Thậm chí, nhiều người gọi vụ án này là “nỗi ô nhục quốc gia”.
Tuy nhiên, sự tức giận của công chúng vẫn chưa làm lay chuyển quyết định của hội đồng xét xử, cũng như hệ thống pháp luật Hàn Quốc đối với loại tội phạm tình dục. Dư luận quốc tế cũng cho rằng mức phạt cho tội ác này ở Hàn Quốc quá nhẹ nhàng so với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần các nạn nhân phải gánh chịu suốt cuộc đời.
Bất bình đẳng giới
Bên cạnh đó, các nhà phân tích xã hội cho rằng gốc gác của sự bành trướng tội phạm tình dục xuất phát từ hệ tư tưởng phụ hệ đã tồn tại hàng trăm năm qua tại Hàn Quốc. Nó đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nam giới nước này.
Theo đó, vị thế của người phụ nữ trong xã hội không được coi trọng. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng hai, phải hứng chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý. Theo điều tra của Bộ Giới tính, Bình đẳng và Gia đình Hàn Quốc năm 2016, cứ 10 phụ nữ có 8 người nói họ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Từ quấy rối nơi công sở, ngược đãi khi hẹn hò, bạo lực trong gia đình cho đến trả thù bằng video nhạy cảm và cả giết người, cách thức phụ nữ bị đối xử là một vấn đề lớn tại Hàn Quốc.
Thậm chí, mới chỉ cách đây 15 năm, hệ thống luật pháp Hàn Quốc vẫn còn quy định một cô gái sau khi được gả đi cần phải có chấp thuận của bố mẹ chồng mới được thêm vào sổ hộ khẩu, hoặc chỉ đàn ông mới có quyền ưu tiên thừa kế tài sản.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhưng vấn đề bình đẳng giới lại hoàn toàn trái ngược. Nước này có mức chênh lệch lương lớn nhất giữa đàn ông và phụ nữ trong số các quốc gia phát triển.
Xứ sở kim chi khiêm tốn đứng thứ 118 trong danh sách 144 quốc gia thực hiện bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thấp nhất trong nhóm G20, theo AP. Ngoài ra, phụ nữ cũng chỉ chiếm 2,3% giới lãnh đạo trong 500 công ty lớn.
“Để giải quyết từ gốc rễ của tội phạm tình dục, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là về vấn đề bình đẳng giới trong xã hội. Luật dù có tăng nặng thế nào cũng chỉ mang tính kìm kẹp chứ không ngăn được những kẻ có chủ đích phạm tội”, Park Mi Hye, trưởng nhóm điều tra tội phạm tình dục đặc biệt của Sở cảnh sát Seoul, khẳng định.