'Vì sao tôi tình nguyện nhập ngũ?' - Câu chuyện thứ hai lăm: Tôi đã trở thành bộ đội Trường Sa như mong ước
'Trận lũ lịch sử năm 2009 tại huyện Tuy An, Phú Yên, nhà tôi và bà con thôn xóm ngập chìm trong biển nước, nhịn đói nhiều ngày trời. Hình ảnh các chú bộ đội lái trực thăng thả hàng cứu trợ, chạy xuồng vào cứu dân đã thôi thúc tôi tình nguyện nhập ngũ, trở thành người bộ đội giúp dân'.
Đó là lời tâm sự của chiến sĩ Trần Thanh Toàn, ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vừa nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông.
Tình cờ tôi gặp chiến sĩ Trần Thanh Toàn cùng các đồng đội đang say sưa văng nghệ trên boong tàu Hải quân 561 trong hành trình đưa các chiến sĩ ra nhận nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Dưới ánh trăng biển lấp lóa sóng nước, gió biển xào xạc, Toàn say sưa, trò chuyện với tôi về hành trình trở thành lính đảo đầy hứng khởi, hy vọng.
Trần Thanh Toàn sinh năm 2000 trong một gia đình nghèo ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), có bố và mẹ đều làm nghề đi biển. Để phụ giúp bố mẹ và có tiền trang trải cho các em ăn học, học xong cấp 2, Toàn nghỉ học đi biển phụ giúp bố mẹ. Nghề đi biển cũng chẳng giúp gia đình Toàn khấm khá hơn. Được người thân giới thiệu, Toàn ra thành phố Quy Nhơn, học nghề sửa ô tô rồi học nghề làm bảng biển quảng cáo. Bàn tay khéo léo, lại chăm chỉ, ham học nên Toàn nhanh chóng xin được việc làm, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy, một phần Toàn gửi nuôi em gái đang là sinh viên Khoa ngoại ngữ, Đại học Văn hiến Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối năm 2021, Toàn đăng ký nhập ngũ, tình nguyện ra đảo Trường Sa. Tôi hỏi: “Biết Trường Sa sóng gió, vất vả sao em vẫn tình nguyện ra đảo vậy?”. Toàn cười giòn để lộ hàm răng khểnh hóm hỉnh rồi bồi hồi nhớ chuyện. Năm 2009, trận lũ lịch sử ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà Toàn nước ngập đến tận nóc, phải nhịn đói cả mấy ngày trời. Đang lúc hiểm nguy thì các chú bộ đội đi trực thăng thả hàng hóa cứu trợ xuống rồi đưa xuồng máy vào cứu cả nhà em và bà con. Từ ngày ấy, Toàn chỉ thầm mong trở thành người lính cứu dân.
Trần Thanh Toàn tâm sự: “Làng tôi, bà con nghèo sống dựa vào nghề đi biển. Sóng to gió lớn nhiều lần tàu cá ngư dân gặp nạn đều được bộ đội hải quân cứu giúp. Lúc nào hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cũng luôn cao quý, tựa như những anh hùng luôn sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Tổ quốc”. Năm 2021, đúng lúc địa phương thông báo thanh niên nhập ngũ, Toàn đã giấu ba mẹ viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nguyện vọng ra phục vụ tại huyện đảo Trường Sa.
Được biết, trước khi ra đảo Trường Sa Đông nhận nhiệm vụ, Trần Thanh Toàn trải qua gần 1 năm huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4. Cũng theo Toàn chia sẻ, vào quân ngũ, tính kỷ luật và tinh thần tập thể chính là môi trường tốt để bản thân rèn luyện, tu dưỡng. Chính trong thời gian này Toàn không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện mà còn được cấp trên tin tưởng đưa vào danh sách thành viên đội cơ động giúp dân. Mỗi lần gặp thiên tai, hỏa hoạn, Toàn lại cùng bộ đội lên đường giúp dân khắc phục hậu quả. Những việc làm của Toàn và đồng đội được cấp trên tin tưởng, nhân dân địa bàn tin yêu, quý mến, qua đó tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Điều chúng tôi ấn tượng ở Toàn trong suốt hành trình ra đảo Trường Sa chính là tính xông xáo, trách nhiệm không nề hà khó khăn, luôn sẵn sàng nhận việc khó. Hôm mới lên tàu, hầu hết các chiến sĩ đều say sóng nằm la liệt không ăn uống gì được. Vốn được theo ba mẹ đi biển từ nhỏ nên Toàn đã phần nào quen với sóng gió. Đến giờ ăn hằng ngày, Toàn cùng các chiến sĩ xung phong đi lấy cơm về cho đơn vị. Toàn cũng là thành viên luôn xông xáo vận chuyển hàng hóa xuống các điểm đảo trong điều kiện sóng gió, nguy hiểm. Hôm vào đảo Trường Sa Đông nhận nhiệm vụ, Toàn thổ lộ: “Hôm biết tin em ra Trường Sa làm nhiệm vụ, ba mẹ cũng bất ngờ, nhưng em hứa với ba mẹ sẽ làm thật tốt nhiệm vụ. Tiền phụ cấp trên đảo em dành một phần để nuôi em gái đang học Đại học Văn hiến TP Hồ Chí Minh anh ạ”.
Nhìn nụ cười tươi rói của Toàn, tôi càng thêm khâm phục tâm hồn trong trẻo và đầy khát vọng của người lính đảo Trường Sa.