Vì sao TP.HCM nên có tên phường Sài Gòn

Trong tiến trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp phường tại quận 1, đề xuất đặt tên phường Sài Gòn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, như một bước đi mang nhiều tầng ý nghĩa: vừa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, vừa tôn vinh giá trị văn hóa - lịch sử đặc hữu của TP.HCM.

Theo phương án được UBND quận 1 xây dựng, từ 10 phường hiện hữu sẽ hợp nhất thành 4 phường mới, gồm: Tân Định, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh và Sài Gòn. Trong đó, phường Sài Gòn có diện tích 3,038 km² và dân số hơn 47.000 người, được hình thành từ toàn bộ phường Bến Nghé, khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình và một phần phường Đa Kao.

Tên gọi Sài Gòn được đề xuất đặt cho phường trung tâm này, không chỉ vì yếu tố địa lý mà còn do chiều sâu lịch sử và văn hóa của vùng đất. Từ thời kỳ các chúa Nguyễn khai phá Nam Bộ đến khi trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của miền Nam, cái tên Sài Gòn đã in sâu vào tâm thức người dân và xuất hiện phổ biến trong đời sống, văn học, nghệ thuật.

Trước năm 1976, Sài Gòn là tên gọi chính thức của thành phố, cho đến khi mang tên Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. Dù vậy, Sài Gòn vẫn được dùng rộng rãi trong giao tiếp thường ngày, mang theo ký ức và biểu tượng về một đô thị sôi động, cởi mở và phồn vinh.

Phường Sài Gòn nằm tại khu vực trung tâm quận 1, nơi tập trung nhiều công trình lịch sử, hành chính và văn hóa quan trọng như: Trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, các tuyến phố thương mại Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng… Phường còn giáp sông Sài Gòn và các tuyến rạch Thị Nghè, Tàu Hủ, yếu tố sông nước gắn liền với tiến trình phát triển đô thị Sài Gòn - Gia Định hơn 300 năm qua.

Phương án sắp xếp phường của quận 1

Phương án sắp xếp phường của quận 1

Đây cũng là địa bàn có mật độ hoạt động ngoại giao, kinh tế - thương mại cao nhất Thành phố, nơi tập trung nhiều cơ quan trung ương, lãnh sự quán, doanh nghiệp và khách sạn quốc tế. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới với nhiều dự án cao ốc, trung tâm thương mại, khu dân cư mới, dự kiến đón thêm gần 14.000 cư dân.

Việc đặt tên phường Sài Gòn cho khu vực này vì vậy không chỉ hợp lý về mặt hành chính, mà còn mang tính đại diện cao, góp phần khẳng định giá trị biểu trưng của đô thị trung tâm.

Đặt tên phường là Sài Gòn cũng là cách giữ gìn ký ức đô thị giữa quá trình phát triển không ngừng. Nó tạo nên sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, qua đó thể hiện tinh thần trân trọng di sản trong công cuộc đổi mới đô thị.

Ngoài ra, đây còn là tên gọi phổ biến, được người dân và du khách quốc tế dễ dàng nhận diện, góp phần thuận lợi cho công tác quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, phát triển du lịch và xây dựng bản sắc địa phương.

Theo UBND quận 1, việc đặt tên phường Sài Gòn là một chủ trương mang tầm nhìn văn hóa - hành chính, hướng đến gìn giữ giá trị cốt lõi của TP.HCM trong một hình hài đô thị hiện đại, năng động và hội nhập.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vi-sao-tp-hcm-nen-co-ten-phuong-sai-gon-317272.html