Vì sao TPHCM tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần?

TPHCM tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần không có nghĩa là số ca bệnh giảm; nhưng là thời điểm vừa đủ để ngành chức năng đánh giá dịch bệnh. Mỗi tuần, TPHCM sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp hay giảm cấp…

TPHCM tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần để phòng COVID-19

Chiều 14/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dù trong thời gian 2 tuần giãn cách vừa qua, Thành phố cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, đặc biệt là chuỗi lây nhiễm liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng nhưng gần đây xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây.

“Mặc dù trong thời gian qua đã đạt được yêu cầu cơ bản khống chế được ổ dịch vào thời điểm đó, nhưng nếu thời điểm này không thực hiện giãn cách thì mầm bệnh chưa phát hiện được sẽ tiếp tục lây lan. Do đó, chúng ta cần tận dụng hữu hiệu nhất giãn cách trong hai tuần sắp tới” – ông Hưng nói.

Lãnh đạo ngành y tế cho rằng, việc giãn cách hai tuần tiếp theo là cần thiết để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm.

Nhiều khu vực tại TPHCM phong tỏa liên quan đến COVID-19

Nhiều khu vực tại TPHCM phong tỏa liên quan đến COVID-19

Ông Hưng kêu gọi người dân thành phố cần tuân thủ hợp tác với chính quyền địa phương, tận dụng thời gian hai tuần quý giá tiếp theo; cơ bản tiếp tục thực hiện 5K, khi xuất hiện địa điểm nào phong tỏa trung tâm kiểm soát đã đưa lên trang web. Đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin trên trang web, báo chí về các địa điểm nguy cơ để đánh giá nguy cơ và liên hệ cơ sở y tế để hướng dẫn.

Theo ông Hưng, người dân nên ghi lại quá trình di chuyển tiếp xúc để ngành y tế dễ dàng truy vết nếu chẳng may nhiễm bệnh. Đối với người bệnh chưa cần thiết khi đến cơ sở y tế thì hạn chế vì đây là nơi có nguy cơ.

Liên quan đến vấn đề phòng thủ của các bệnh viện, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, khi các ca bệnh xuất hiện ngoài cộng đồng thì những người có triệu chứng cũng sẽ đến bệnh viện. Do đó việc phòng thủ tại các cơ sở y tế được quan tâm ngay từ đầu phòng chống dịch. Nếu người đến khám có dấu hiệu thì được khám sàng lọc, nếu có nghi ngờ thì test nhanh, PCR để khẳng định…

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (ảnh: HCDC)

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (ảnh: HCDC)

“Các cơ sở đều thực hiện đúng quy trình nhưng với trường hợp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM là bài học sâu sắc. Từ một nhân viên y tế của bệnh viện nhiễm ngoài cộng đồng rồi lây cho nhiều nhân viên trong bệnh viện. Ngành y tế rút kinh nghiệm sâu sắc. Ngành y tế luôn tuân thủ 5K trong suốt quá trình làm việc, yêu cầu nhân viên y tế sau giờ làm phải về nhà, chỉ được tiếp xúc với người nhà, không đi nơi nào khác. Trước đây các bệnh viện cũng đã thực hiện xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, nếu có trường hợp nhiễm sẽ khoanh vùng dập dịch, phát hiện sớm. Những khoa phòng có nhiều nguy cơ… cũng được xét nghiệm, tầm soát thường xuyên… Đó là các biện pháp ngành y tế đã triển khai để phòng dịch bệnh trong bệnh viện” – ông Hưng cho hay.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-tphcm-tiep-tuc-gian-cach-them-2-tuan-post1346027.tpo