Vì sao trả lương cao vẫn khó tuyển thuyền viên tay nghề giỏi?
Nghề đi biển vốn 'kén' người, việc thu hút nguồn nhân lực hàng hải càng khó khăn khi cơ chế đặc thù dành cho nhóm ngành này gần như không có.
Phải thuê thuyền viên ngoại giá cao
Thống kê của Cục Hàng hải VN cho thấy, tính đến cuối năm 2019, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam khoảng 1.500 chiếc. Với hơn 41.000 thuyền viên đang có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) làm việc trên tàu biển, về lý thuyết, số lượng sỹ quan, thuyền viên vẫn đáp ứng được nhu cầu cho đội tàu trong nước (bình quân 15 người/tàu) và nhu cầu của tàu treo cờ nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Vũ Khang Cường, Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và Thuyền viên (Cục Hàng hải VN) cho biết, các chủ tàu ngày càng khó khăn trong tuyển dụng thuyền viên, đặc biệt là những người có tay nghề cao. Một số chủ tàu phải sử dụng thuyền viên nước ngoài, kể cả những chức danh thấp như OS (thực tập), AB (có kinh nghiệm) để duy trì hoạt động của đội tàu.
Theo ông Nguyễn Quế Dương, Trưởng ban Quản lý thuyền viên và tàu biển (Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines), lực lượng thuyền viên Việt Nam hiện đang thiếu hụt trầm trọng.
“Nếu thập niên trước, các công ty vận tải biển như Vosco, Vinaship... là “cõi mộng” của nhiều thanh niên ước muốn đổi đời thì nay, đội ngũ thuyền viên của Vinalines chủ yếu là những người đã có tuổi, không đủ năng lực để chuyển sang lĩnh vực khác. Thậm chí, thời gian gần đây, một số đơn vị tuyển dụng nhân sự ở các vị trí thợ máy, thuyền viên phục vụ còn không kiếm nổi ứng viên”, ông Dương chia sẻ.
Đại diện Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, hiện nay, thị trường thuyền viên “đánh thuê” cho tàu nước ngoài khá sôi động. Một số tàu châu Âu đang trả mức lương khá hấp dẫn với chức danh Phó 2 là 2.200 USD/tháng, Phó 3 là 2.000 USD/tháng.
“Đối với thủy thủ cấp AB, hầu hết các chủ tàu đang trả từ 800 - 900 USD/người/tháng. Một số chủ tàu Việt Nam cũng nâng lương cho thủy thủ AB từ 10 - 12 triệu/tháng lên 12 - 14 triệu/tháng. Tuy nhiên, lực lượng thủy thủ cấp AB của Việt Nam rất thiếu”, vị này cho hay.
Theo ông Vũ Khang Cường, tình trạng thuyền viên “thờ ơ” với nghề hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, người lao động, nhất là giới trẻ có nhiều lựa chọn công việc có mức thu nhập tốt hơn nghề đi biển - nghề thường xuyên xa nhà và đương đầu với sóng, gió.
“Dư âm về tình trạng nợ lương, “chạy làng” tiền công cùng phương thức quản lý hoạt động manh mún, thiếu chuyên nghiệp của một số chủ tàu cũng khiến người lao động chán nản, bất mãn. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện nay hầu như chưa có ưu đãi đặc biệt gì để lao động có động lực”, ông Cường nhận định.
Thuyền viên sẽ được hưởng đặc thù về lương, thưởng
“
Theo định hướng phát triển nguồn nhân lực vận tải biển, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo và bồi dưỡng khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên.
Để đáp ứng nhu cầu này, Cục Hàng hải VN sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế hỗ trợ sinh viên chi phí ăn, ở và đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chính sách liên kết hỗ trợ thực tập để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, xóa cảnh cơ sở đào tạo “đói” sinh viên, chủ tàu “khát” thuyền viên.
”
Ông Vũ Khang Cường cho biết, mới đây, Chủ tịch nước đã ký Lệnh ban hành Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Đây là Bộ luật đầu tiên quy định người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải xếp vào nhóm các ngành nghề đặc biệt, được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc.
“Đây là tiền đề quan trọng để các cấp chức năng, doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách phù hợp để “vực dậy” nguồn nhân lực hàng hải nói chung và thuyền viên nói riêng”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, thời gian tới, Cục Hàng hải VN sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến của cơ quan chức năng về việc quy định mức lương tối thiểu trên cơ sở tham khảo mức lương tối thiểu thuyền viên của ITF (International Transport Worker’s Federation).
“Tuy nhiên, việc quy định mức lương tối thiểu có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề này sẽ được xem xét kỹ lưỡng trước khi đề xuất lên cấp có thẩm quyền”, ông Cường cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quế Dương cho rằng, nếu lĩnh vực hàng hải được xếp vào nhóm ngành đặc thù thì các chế độ liên quan cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh theo hướng ưu tiên. Điển hình là chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) của thuyền viên.
Theo quy định, thời gian đi biển của một thuyền viên trong một năm chỉ từ 8 - 10 tháng, 2 - 4 tháng nghỉ trên bờ không có lương, đồng nghĩa không được đóng BHXH. Do tính liên tục trong đóng bảo hiểm gần như không có nên rất ít thuyền viên đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để được nhận lương hưu (trừ khối thuyền viên thuộc biên chế của các công ty lớn).
Việc phải đóng BHYT bắt buộc cũng gây tốn kém cho thuyền viên khi hầu hết thời gian trong năm, thuyền viên làm việc trên biển, không sử dụng các dịch vụ y tế trên bờ. Những thuyền viên dự trữ trên bờ lại không được nhận hỗ trợ từ BHYT do không có lương.
“Các cấp chức năng cần sớm có chính sách lấy 10 tháng đóng BHXH (có thu nhập) của thuyền viên chia đều cho 12 tháng trong năm và ưu tiên thuyền viên không phải mua BHYT bắt buộc để tránh chi phí phát sinh, khích lệ thuyền viên gắn bó với nghề”, ông Dương đề xuất.