Vì sao trang phục tennis nữ luôn bị đánh giá thiếu chuẩn mực?
Từ bộ váy như đi tiệc những ngày đầu, trang phục tennis dần trở nên thoải mái hơn cho vận động viên nữ.
Năm 2018, Serena Williams khiến các khán đài của US Open ngỡ ngàng với bộ catsuits đen kèm thắt lưng hồng. Bất chấp những lý do sức khỏe, tay vợt này vẫn phải hứng chịu chỉ trích từ các quan chức cấp cao của Liên đoàn Tennis Pháp.
Những nhận xét tiêu cực như "thiếu chuẩn mực", "thiếu tôn trọng tennis"... tay vợt Mỹ phải nhận khi ấy đã làm nổ ra cuộc tranh luận lớn về sự chuẩn mực của thời trang trong tennis.
Đâu mới là sự chuẩn mực tuyệt đối của tennis hay tất cả chỉ là nỗ lực kiểm soát những gì phụ nữ mặc như thưở ban đầu?
Dính nhau từ những ngày đầu?
Theo Time, thời trang và tennis là hai khái niệm có mối liên hệ chặt chẽ. Tennis được tạo ra như cánh cửa cho phụ nữ đam mê croquet nhưng không thể tham gia.
Vào những ngày đầu tiên, tennis không đa dạng mặt sân như bây giờ. Các tay vợt đánh trên bãi cỏ. Nó không mang đậm màu sắc cạnh tranh, thiên về sự lãng mạn. Các buổi tennis bên bãi cỏ như cách đàn ông, phụ nữ gặp mặt, tán tỉnh.
"Đó là một trong số ít thú tiêu khiển gắn kết hai thế giới lại với nhau", Kevin Jones - người phụ trách Bảo tàng Thiết kế và Thương mại Thời trang ở Los Angeles (Mỹ) - chia sẻ.
Cũng trong những ngày đầu, tennis được dùng làm nơi giao lưu của tầng lớp thượng lưu. Họ sử dụng những trận đấu làm nơi để tổ chức các buổi thương thảo. Do đó, trang phục bắt mắt khi chơi tennis là điều tối quan trọng. Ngoài ra, bộ đồ cần đảm bảo tính lịch sự và phù hợp những chuẩn mực của giới thượng lưu.
Nam giới mặc blazer và quần ống loe. Trong khi đó, phụ nữ mặc áo nịt ngựa và váy nặng.
So với nam giới, trang phục của nữ giới gặp nhiều trở ngại hơn khi thi đấu từ những ngày đầu. Chiếc váy của họ là loại váy dùng để dự tiệc. Vốn dĩ, nó nên được mặc bởi khán giả thay vì vận động viên dưới sân.
"Trọng tâm của trang phục tennis vẫn là thời trang chứ không phải thi đấu", Jones nói thêm.
100 năm lịch sử của thời trang tennis nữ
Như đã nói ở trên, trang phục tennis thời gian đầu của phụ nữ khá cồng kềnh. Tuy nhiên, qua nhiều giai đoạn lịch sử, bộ trang phục đã được cải tiến không ít lần. Một số cá nhân phá cách với tư duy đi trước thời đại đã gây ra những cuộc tranh cãi về đạo đức và tinh thần thể thao.
Mở đầu cho sự phá cách táo bạo phải kể đến tên Charlotte Dod - hay còn gọi Lottie - ở Giải vô địch đơn nữ Wimbledon 1887. Năm ấy, Lottie mới 15 tuổi nhưng đã có chức vô địch Wimbledon đầu tiên. Dù vậy, điều khán giả quan tâm hơn là chiếc corset bó sát đã bị Lottie vứt đi đâu?
Ngoài việc không mặc corset, chiếc váy của Lottie cũng chỉ dài tới bắp chân. Thoạt nhìn, chiếc váy giống đồng phục nữ sinh hơn trang phục thi đấu tennis thời ấy. Nhiều đối thủ phản đối chiến thắng của Lottie vì cho rằng cô có lợi thế về tốc độ khi bỏ bớt những phần dư thừa trên trang phục.
Đó cũng là lần đầu tiên những nhà thiết kế trang phục tennis nữ đặt câu hỏi về bộ trang phục giúp vận động viên di chuyển nhanh hơn.
Xu hướng Flapper đầu thế kỷ 20 đã tạo nên sự thay đổi lớn cho thời trang nữ toàn cầu. Khoảng 10 năm trước, lối ăn mặc lịch sự, kín đáo vẫn được phụ nữ ưa chuộng. Tuy nhiên, với xu hướng Flapper, các cô gái đã ăn mặc phóng khoáng, cá tính hơn. Họ nổi bật với kiểu tóc ngắn cá tính, váy ngắn gợi cảm hơn.
Tay vợt người Pháp Suzanne Lenglen đã gây ấn tượng trong giai đoạn này khi ra sân ở Wimbledon. Cô mặc chiếc váy chỉ dài đến đầu gối, để lộ cánh tay. Lenglen cũng là vận động viên nữ đầu tiên trong lịch sử đeo băng đô thi đấu.
Với Jones, Lenglen còn hơn một ngôi sao thể thao. Ông nhận xét Lenglen là một trong những vận động viên đầu tiên gây dựng được tên tuổi bên ngoài thế giới thể thao.
"Không chỉ chơi tennis, thứ Lenglen làm còn là biểu diễn. Cô ấy không tỏ ra nghiêm túc hay đứng đắn như nhiều người khác. Điều Lenglen quan tâm là làm sao để trái bóng bay qua lưới. Thời điểm đó, cô được nhiều fan tennis lẫn những người không đam mê bộ môn này yêu thích", Jones chia sẻ.
Bắt đầu từ Lenglen, các vận động viên nữ sau này dần chú ý tới việc xây dựng phong cách và cá tính riêng trên sân đấu. Lớp kế cận của Lenglen có thể kể tới Gertrude Moran ở thập niên 1940. Tay vợt người Mỹ khiến các tay máy phải nằm bò ra đất để chụp chiếc quần lót ren lấp ló dưới chiếc váy ngắn.
Văn hóa Mod - viết tắt của Mordenist (tạm dịch: hiện đại) - ở thập niên 1960 một lần nữa khiến các bộ trang phục thi đấu của vận động viên nữ thay đổi. Xu hướng này nhấn mạnh yếu tố slim-fit (vừa vặn).
Tuy nhiên, một trong những thay đổi lớn nhất trong trang phục tennis là việc loại bỏ quy tắc mặc đồ toàn màu trắng. Quy tắc này có từ thời Victoria. Nó giúp người chơi tránh những vết mồ hôi, giữ hình tượng cho môn thể thao thượng lưu.
Vào nửa sau của thế kỷ 20, tất cả giải Grand Slam (ngoại trừ Wimbledon) đều bỏ luật này. Mục đích chính là kéo thương mại cho giải đấu. Sự ra đời của TV màu khiến trang phục của vận động viên cần được đa dạng hơn. Nó giúp thu hút khán giả đến sân xem.
Sự đột phá trong tư tưởng của vận động viên nữ
Theo Time, trong những năm 1970, một bộ phận vận động viên nữ bắt đầu nghĩ đến việc cạnh tranh với đồng nghiệp nam. Thời đấy, sự chênh lệch về tiền thưởng giữa hai phái khá lớn.
Thời điểm này, một số nhà thiết kế đã làm việc cùng nhóm vận động viên nữ để cho ra mắt những bộ trang phục quyến rũ hơn. Họ tin điều này sẽ giúp khán giả tới sân nhiều hơn. Dù vậy, chiến dịch này cũng đem đến mặt trái.
Theo Robert J. Lake - tác giả cuốn Một lịch sử xã hội của tennis ở Anh quốc, những khán giả đến sân có xu hướng ham muốn tình dục hơn khi nghĩ về vận động viên nữ. Họ không thực sự tập trung vào trận đấu.
"Văn hóa thể thao với yếu tố giới tính đã khiến nhiều tay vợt nữ ăn mặc khiêu khích hơn", Lake nói.
Tuy nhiên, xu hướng này đang trở thành chủ đề bị chỉ trích trong thời gian gần đây, đặc biệt sau nhiều lùm xùm ở Olympic Tokyo. Những bộ trang phục hướng nữ giới được chú ý nhiều về tình dục đang dần trở nên lỗi thời.
Vậy, xu hướng nào đang dẫn đầu cho phong cách thời trang tennis nữ hiện đại?
Nhà tạo mẫu của Serena Williams - Kesha McLeod - nhấn mạnh đó là cá tính bản thân. "Như trường hợp của Serena, cô ấy quyết định mình mặc gì. Cô ấy muốn mọi người hiểu bạn vẫn có thể mặc một bộ đồ dễ thương, trang nhã. Tuy nhiên, khi nhìn vào, người ta vẫn phải nhớ bạn là một vận động viên mạnh mẽ", McLeod nói.
Và đó là cách Serena đi ngược mọi định kiến để khoác lên mình bộ catsuits gây nhiều lùm xùm năm 2018. Cô ấy chọn mặc những gì mình muốn. Trong trường hợp này, mục đích của Serena là bảo vệ sức khỏe của chính mình sau sinh.
Kevin Jones nhận định những phụ nữ như Serena là tinh hoa của thể thao trong thời đại họ sống. "Dù họ mặc gì, đó cũng được xem là thứ thời trang, phong cách và tốt nhất vào thời điểm này", ông nói thêm.