Vì sao Trung Quốc đột ngột thay đổi thỏa thuận với Mỹ?

Trung Quốc đột ngột thay đổi gần như toàn bộ nội dung dự thảo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mà hai bên đã đạt trước đó vì nhận thấy rằng các đòn thuế của Mỹ không không tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước như dự kiến và Trung Quốc cũng không muốn ký một thỏa thuận khiến Bắc Kinh chịu lép vế quá mức trước Washington, có thể khiến dư luận trong nước bất bình.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trao đổi với Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 4-4. Ông Lưu Hạc sẽ đến Washington ngày 9-5 tới để tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: Reuters

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trao đổi với Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 4-4. Ông Lưu Hạc sẽ đến Washington ngày 9-5 tới để tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: Reuters

Hôm 7-5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc đến Washington vào ngày 9-5 để tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ. Chuyến thăm sẽ diễn ra trong 2 ngày, ngắn hơn so với kế hoạch trước đó.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc những bất ổn treo lơ lững trên bàn đàm phán Mỹ - Trung sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-5 thông báo sẽ tăng thuế từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm vào ngày 10-5 để phản ứng trước việc Trung Quốc rút lại hầu hết cam kết quan trọng trong dự thảo thỏa thuận thương mại của 2 nước trước đó.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước lời đe dọa tăng thuế của ông Trump. Trong một bài bình luận đăng trên tài khoản mạng xã hội WeChat hôm 7-5, tờ Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh: “Khi mọi việc bất lợi đối với chúng tôi, cho dù các người đòi hỏi như thế nào, chúng tôi sẽ không lùi bước. Thậm chí, đừng nghĩ về điều ấy”.

Đó là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc kể từ lúc Tổng thống Trump thông báo tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Hôm 8-5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo: “Phía Trung Quốc sẽ lấy làm tiếc nếu các biện pháp tăng thuế của Mỹ sẽ được thực hiện, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết”.

Nhà phân tích chính trị ở Thượng Hải Chen Daoyin nhận định rằng theo lập trường của Trung Quốc, nước này có ý chí và sức mạnh để duy trì sự cứng rắn đến phút cuối.

Ông nói: “Chủ tịch Tập và chính phủ của ông có lập trường rất cứng rắn và không tỏ bất kỳ dấu hiệu nào lùi bước khi đối mặt với các thách thức. "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập nhằm xây dựng Trung Quốc trở thành một đất nước hùng mạnh hơn cũng hạn chế khả năng và sự linh động từ đội ngũ của ông trong việc xử lý các vấn đề bên ngoài”.

Daoyin cũng cho rằng các trọng tâm của Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách quyền lực nhất Trung Quốc, cũng đã thay đổi trong hai tháng qua với xu hướng giảm chú ý đến tình hình kinh tế đất nước.
Daoyin nói: “Cuộc họp gần đây nhất của Bộ Chính trị Trung Quốc không tập trung vào vấn đề bình ổn kinh tế như cuộc họp hồi tháng 2-2019. Các lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy rằng tác động từ các đòn thuế của Mỹ không nghiêm trọng như dự báo”.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp cử tri ở TP. Panama, bang Florida (Mỹ) hôm 8-5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp cử tri ở TP. Panama, bang Florida (Mỹ) hôm 8-5. Ảnh: AP

Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc cho biết tại Diễn đàn Vành đai và con đường được tổ chức hồi cuối tháng 4 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã cố gắng tránh gây sự chú ý đến vấn đề chiến tranh thương mại. Nguồn tin này nói Bắc Kinh đang muốn giành thắng lợi trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10 tới.

Hôm 4-5, Trung Quốc cũng vừa kỷ niệm 100 năm Phong trào Ngũ Tứ, một phong trào biểu tình chống chủ nghĩa đế quốc phương Tây của giới sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc nổ ra vào ngày 4-5-1919.

Trong một bản phân tích nhanh, Simon Evenett, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Gary Hufbauer, học giả cao cấp từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, giải thich rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, các tác động tiêu cực, trong trường hợp Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận thương mại và Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, sẽ suy yếu khi mà các kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc đã được thực hiện.

Hai chuyên gia này cũng cho rằng Chủ tịch Tập không muốn mạo hiểm đưa ra các nhượng bộ quá lớn với Mỹ trong một năm có nhiều lễ kỷ niệm mang tính biểu tượng ở trong nước.

Arthur Kroeber, Giám đốc nghiên cứu của Công ty nghiên cứu kinh tế, chính trị, xã hội Trung Quốc Gavekal Dragonomics (Hồng Kông) nhận định: “Nền kinh tế đang hồi phục của Trung Quốc cho phép các nhà đàm phán Trung Quốc mạnh dạn cự tuyệt các yêu cầu của Mỹ về việc rút lại các chính sách trợ cấp công nghiệp và bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để được làm ăn ở Trung Quốc ”.

Trung Quốc đã nhất trí mở cửa thị trường hơn nữa và tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài cũng như cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ. Song hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại theo đề xuất của Mỹ, có thể làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc nhưng bảo đảm Trung Quốc tuân thủ các cam kết. Đồng thời, Trung Quốc tỏ rõ thái độ cứng rắn trước các yêu cầu của Mỹ đòi hỏi Trung Quốc tiến hành các thay đổi cơ bản trong chính sách công nghiệp và giảm trợ cấp cho các công ty nhà nước.

Hãng tin Reuters ngày 8-5 dẫn các nguồn tin chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân cho biết vào tối 3-5, Bắc Kinh gửi đến bức điện ngoại giao đến Washington, trong đó kèm theo nội dung sửa đổi dự thảo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã sửa đổi gần như tất cả 150 trang dự thảo thỏa thuận và rút lại nhiều cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó, làm suy yếu các yêu cầu cốt lõi của Mỹ. Ở mỗi chương trong bảy chương của dự thảo thỏa thuận, Trung Quốc đã gạch bỏ các cam kết thay đổi luật để giải quyết các khiếu nại của Mỹ liên quan đến vấn đề ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ, bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, tiếp cận các dịch vụ tài chính của Trung Quốc và thao túng tiền tệ. Đó chính là lý do dẫn đến thông báo của Trump trên Twitter nói rằng sẽ tăng thuế từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Theo South China Morning Post

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288620/vi-sao-trung-quoc-dot-ngot-thay-doi-thoa-thuan-voi-my.html