Vì sao Trung Quốc là một trong những quốc gia nuôi con đắt nhất thế giới?
Trung Quốc là một trong những nước có chi phí nuôi con đắt thứ hai thế giới, ngoài vì vấn đề tài chính còn phải trả giá cho thời gian và cơ hội của cha mẹ.
Theo CNA, chi phí nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc cho đến 18 tuổi “gần như cao nhất thế giới” so với GDP bình quân đầu người.
"Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sinh nhanh chóng. Với số trẻ em ít hơn, cha mẹ có xu hướng tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc nuôi dạy và giáo dục thế hệ tiếp theo", Tiến sĩ Zhao Litao, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết.
Các nhà phân tích lưu ý rằng chi phí không chỉ dừng lại ở tiền bạc, mà còn lấy đi thời gian và cơ hội của các bậc cha mẹ. Điều này đặc biệt rõ ràng đối với các bà mẹ, do các chuẩn mực giới tính hiện hành ở Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền địa phương đang cung cấp các mức hỗ trợ khác nhau, các chuyên gia tin rằng điều thực sự tạo ra sự thay đổi là sự thay đổi tư duy của các doanh nghiệp và mọi người về vai trò của cha mẹ và định nghĩa thành công.
Chi phí thực tế
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa công bố đầu tháng này cho biết, mức trung bình cả nước để nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc cho đến năm 18 tuổi là khoảng 538.000 nhân dân tệ (hơn 1,8 tỷ đồng). Con số này bao gồm phí bảo mẫu và dịch vụ chăm sóc trẻ em, học phí và giáo trình trên trường cũng như các khoản phí hoạt động ngoại khóa.
Theo báo cáo, con số này gấp khoảng 6,3 lần GDP bình quân đầu người của cả nước và "gần như cao nhất thế giới".
Báo cáo nêu rõ tỷ lệ của Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác như Nhật Bản láng giềng (4,26 lần), Mỹ (4,11 lần), Pháp (2,24 lần) và Australia (2,08 lần). Hàn Quốc đứng đầu với chi phí gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người của cả nước.
Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn là những nơi đắt đỏ nhất ở Trung Quốc để nuôi dạy con cái,với mức chi phí trung bình lần lượt là khoảng 936.000 nhân dân tệ (3,2 tỷ đồng) và 1.01 triệu nhân dân tệ (3,4 tỷ đồng).
Nếu tính cả giai đoạn học đại học của con cái, mức trung bình toàn quốc sẽ tăng hơn 25% lên hơn 680.000 nhân dân tệ (hơn 2,3 tỷ đồng). Báo cáo cho biết việc ước tính chi phí học đại học là cần thiết vì mặc dù cha mẹ không bắt buộc phải chu cấp tài chính cho con cái sau khi trưởng thành ở tuổi 18, nhưng hầu hết họ đều làm như vậy.
Cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra không đồng tình với báo cáo, thể hiện qua các bình luận dưới bài đăng trên Weibo, một nền tảng mạng xã hội lớn nhất nước này.
Một bình luận nhận được hơn 6.000 lượt thích cho biết: "Ước tính nên lên đến hàng triệu, 680.000 nhân dân tệ là quá ít".
"Xét cho cùng đó là mức chi tiêu trung bình, con số đó không đủ cho những gia đình nuôi con ở các thành phố lớn", một người dùng mạng khác nói.
Một số người dùng đặt câu hỏi về con số thống kê ở Thủ đô Bắc Kinh, cho rằng nó nên cao hơn nhiều. "Bắc Kinh nên vào khoảng 2 triệu nhân dân tệ (6,8 tỷ đồng)", một bình luận cho biết.
Một bình luận riêng biệt đặt câu hỏi về hiệu quả của việc sử dụng mức trung bình làm tiêu chuẩn đã đạt được khoảng 3.800 lượt thích: "Có gia đình bình thường chỉ cần nộp học phí vài nghìn nhân dân tệ một năm vẫn nuôi con học giỏi đỗ đại học. Trong khi đó, các gia đình giàu có có thể chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ để cho con đi du học... Việc tính trung bình là vô nghĩa".
Vung tiền cho giáo dục
Báo cáo chỉ ra rằng chi tiêu cho giáo dục là một yếu tố chính góp phần vào tổng chi phí nuôi dạy con cái ở Trung Quốc. Một nền giáo dục tốt đã và đang được coi là yếu tố quan trọng để thành công trong nước.
Theo tờ SCMP, "tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng đảm bảo tương lai tươi sáng với địa vị, của cải và thậm chí cả quyền lực".
Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Zhao cho biết có "áp lực cạnh tranh rất lớn buộc phụ huynh phải tìm kiếm nền giáo dục tốt nhất cho con cái họ". Và quá trình này bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ.
Do các trường có chất lượng rất khác nhau, các gia đình nông thôn cố gắng cho con em theo học ở các trường huyện thay vì các trường làng xã "chất lượng thấp hơn". Trong khi ở thành thị, các gia đình cố gắng mua những căn hộ đắt tiền gần các trường tốt nhất hoặc nộp "phí chọn trường" để được vào những trường như ý.
Giáo sư Stuart Gietel-Basten từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) cũng đồng quan điểm, cho biết: "Gia đình ở châu Á thường ít con... vô hình chung tạo áp lực khiến các bậc cha mẹ buộc con cái của họ phải thành công và con đường dẫn đến thành công khá hẹp".
Ông nói thêm: "Mặc dù có nhiều trường đại học ở Trung Quốc nhưng cha mẹ vẫn muốn con mình thành công và vào được một trường đại học cụ thể".
Giáo sư Gietel-Basten cho biết điều này "thật không may" đã trở thành một công cụ kiếm tiền cho các tổ chức.
Tiến sĩ Zhao lưu ý rằng việc có một sinh viên đại học trong nhà "làm tăng đáng kể" gánh nặng tài chính của gia đình. "Đối với một gia đình nông thôn, chi tiêu cho sinh viên đại học chiếm tới 35% tổng chi tiêu hộ gia đình. Cộng lại, việc nuôi dạy con cái ở Trung Quốc rất tốn kém".
Không chỉ là tiền
Cũng theo báo cáo của Viện Yuwa và các nhà phân tích, việc nuôi dạy con cái không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn là cái giá phải trả về thời gian và cơ hội của cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ.
Tiến sĩ Zhao dẫn một cuộc khảo sát của chính phủ thực hiện vào năm 2017 cho biết việc thiếu người chăm sóc gia đình là một trong ba lý do hàng đầu khiến phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi sinh đẻ không muốn sinh thêm con.
Các yếu tố mà các "gia đình trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi dạy con cái" phải tính đến bao gồm thời gian nghỉ thai sản, thời gian cần thiết để trông trẻ và đón trẻ (từ nhà trẻ, trường học), cũng như thời gian cần thiết để kèm con học và làm việc nhà.
Báo cáo cũng cho thấy thời gian làm việc được trả lương của phụ nữ giảm, chủ yếu là trước khi trẻ lên 4 tuổi. Tuy nhiên, thời gian làm việc được trả lương của nam giới không thay đổi sau khi có con.
Bên cạnh việc lấy đi thời gian nghỉ ngơi của cha me, thu nhập của phụ nữ cũng giảm sau khi sinh con. Theo báo cáo, ở Trung Quốc, mỗi đứa trẻ được sinh ra đồng nghĩa với việc lương của phụ nữ sẽ giảm từ 12% đến 17%.
Giáo sư Gietel-Basten chỉ ra rằng do thiếu cân bằng trong vai trò giới tính, thiếu sự hỗ trợ, nhiều phụ nữ buộc phải rời khỏi thị trường lao động vì "phải làm mọi việc ở nhà".
Theo SCMP, các kết quả khảo sát gần đây và đề xuất được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội đầu năm nay của Trung Quốc nhấn mạnh rằng "phụ nữ ở nước này vẫn phải chịu những bất lợi đáng kể trong các lĩnh vực, từ phát triển nghề nghiệp đến gánh nặng công việc nhà".
Một báo cáo thường niên được công bố vào đầu tháng 3 bởi nền tảng tuyển dụng Zhaopin.com cho thấy, phụ nữ đi làm ở Trung Quốc ít hơn khoảng 13% so với nam giới - một khoảng cách gần như không thay đổi trong vài năm qua.
Trong khi đó, khảo sát cũng cho thấy hơn 70% phụ nữ đi làm dành hơn hai giờ cho công việc nhà mỗi ngày, trong khi đó chưa đến một nửa số đàn ông làm như vậy.
"Do những lý do như chi phí sinh đẻ cao và khó khăn cho phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc, mức độ mong muốn sinh con trung bình của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất thế giới", báo cáo viết.