Vì sao Trung Quốc mạnh tay 'siết' chuyện dạy thêm, học thêm?
Kể từ ngày 28/7, Trung Quốc bắt đầu áp dụng quy định ngừng dịch vụ dạy thêm có trả phí theo các quy định mới đối với các công ty dịch vụ giáo dục và các tổ chức dạy thêm tư nhân.
Chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoài giờ tràn lan
Học sinh Trung Quốc tham gia các lớp học thêm sau giờ học chính khóa tại các trung tâm. Ảnh: South China Moring Post.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh ban hành quy định mới rằng, tất cả các công ty dịch vụ giáo dục, cơ sở dịch vụ dạy thêm ngoài giờ theo chương trình giảng dạy chính của trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được phép cấp giấy phép hoạt động mới.
Các quy định mới cũng cấm việc dạy thêm ngoài giờ theo các môn học chính tại trường, đồng thời, cấm các chương trình giảng dạy từ xa tại nước ngoài hoặc có thuê người nước ngoài.
Theo đó, chính quyền nước này sẽ thay đổi nền tảng mô hình kinh doanh của các công ty tư nhân trong giáo dục – lĩnh vực bị Bắc Kinh mô tả là “chiếm đoạt vốn”. Quy định mới này đồng nghĩa với việc các nền tảng giáo dục này không còn cơ hội niêm yết hay huy động vốn.
Theo Foreign Policy, việc chính quyền Trung Quốc siết chặt ngành giáo dục vì lợi nhuận này là một phần trong những nỗ lực nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoài giờ đang tràn lan, giảm bớt sức ép học hành cho trẻ em và đồng thời giảm áp lực chi phí giáo dục cho các gia đình để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh con.
“Các quy định mới sẽ nghiêm khắc hơn dự kiến. Ngành công nghiệp dạy thêm nên chuẩn bị đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất”, một nguồn tin thân cận với cơ quan soạn thảo luật từng cho hay.
Theo giới phân tích, các động thái mới này cũng giống như “cuộc trấn áp” của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ và các doanh nghiệp độc quyền. Những biện pháp mới được áp dụng này cũng cho thấy một thực tế tại Trung Quốc rằng lĩnh vực dạy thêm tư nhân gây tác động xấu đối với phụ huynh và trẻ em ở thành thị, cả về chi phí cho học sinh cũng như tác động tâm lý xấu đối với trẻ em.
Giảm chi phí, tăng tỷ lệ sinh
Hơn 75% học sinh Trung Quốc K-12 (từ 6 tới 18 tuổi) đều tham gia học thêm sau giờ học chính khóa tại trường năm 2016. Ảnh: Reuters.
Tại Trung Quốc, giáo dục tập trung vào gaokao – kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng mỗi năm. Các bậc cha mẹ có thể chi hàng nghìn USD mỗi năm cho việc học thêm để giúp con họ vượt qua kỳ thi này. Căng thẳng và áp lực đè nặng lên cả phụ huynh và học sinh.
Có đến hơn 75% học sinh K-12 (từ 6 tới 18 tuổi) đều tham gia học thêm sau giờ học chính khóa tại trường năm 2016, theo số liệu gần nhất của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên trong những năm gần đây.
Những con số này cũng có thể lý giải nguyên nhân tại sao các quan chức chính phủ các cấp Trung Quốc áp dụng các quy định cấm nhồi nhét chương trình học và nỗ lực khuyến khích các sở thích cá nhân cũng như các hoạt động văn hóa sau giờ học.
Ngoài việc bảo vệ học sinh và cha mẹ khỏi căng thẳng, Bắc Kinh coi những quy định mới này là động lực giúp giảm gánh nặng chi phí để các cặp vợ chồng sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng.
Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại thành thị Trung Quốc, trong đó giáo dục chiếm phần lớn khiến nhiều bậc cha mẹ nản lòng. Theo một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu nhà nước Trung Quốc, chi phí cho một gia đình bình thường nuôi dạy con tăng từ 490.000 nhân dân tệ (76.000 USD) vào năm 2005 lên gần 2 triệu tệ trong năm 2020.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2020 mới công bố hồi tháng trước, dân số Trung Quốc từ năm 2010 tới 2020 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về dân số già hóa và thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai.
Các quy định mới này đã tác động mạnh mẽ đến các công ty trong lĩnh vực dạy thêm trị giá 120 tỷ USD. Nó đã gây ra tình trạng bán tháo lớn cổ phiếu của các công ty dạy thêm được giao dịch ở Hong Kong và New York, trong đó có công ty New Oriental.
Giá cổ phiếu của New Oriental – ông lớn trong ngành dạy học thêm tiếng Anh ở Trung Quốc – đã giảm từ mức cao 19,68 USD trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 2, xuống mức thấp nhất là 2,18 USD vào hôm 23/7. Cổ phiếu New Oriental Education vào hôm 26/7 có lúc giảm tới 40% sau khi lao dốc 41% vào cuối phiên ngày 23/7.
Các công ty như VIPKid, với toàn bộ mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên việc cung cấp khả năng tiếp cận tương đối rẻ cho giáo viên phương Tây thông qua phương pháp học kỹ thuật số, cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.