Vì sao Trung Quốc mời thế giới khám phá mẫu vật Mặt Trăng, trừ Mỹ?
Giới khoa học Trung Quốc chào đón các nhà khoa học trên thế giới cùng nghiên cứu mẫu vật vùng tối Mặt Trăng nhưng hạn chế với Mỹ.
Các quan chức vũ trụ Trung Quốc tuần trước đã tuyên bố họ hoan nghênh các nhà khoa học trên toàn thế giới nộp đơn xin nghiên cứu các mẫu vật từ vùng tối Mặt Trăng mà tàu thăm dò Thường Nga - 6 đã mang về Trái Đất, AP đưa tin.
Đáng chú ý rằng, vẫn có hạn chế được đưa ra khi phía Trung Quốc hạn chế hợp tác với các nhà khoa học đến từ Mỹ.
Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp ở Bắc Kinh nhằm giới thiệu những thành tựu của sứ mệnh ở vùng tối Mặt Trăng, ông Bian Zhigang, phó chủ tịch Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, rào cản hợp tác này bắt nguồn từ phía Mỹ.
“Nguồn gốc của rào cản trong hợp tác hàng không vũ trụ Mỹ-Trung vẫn nằm ở Tu chính án Wolf. Nếu Mỹ thực sự muốn hy vọng bắt đầu hợp tác hàng không vũ trụ thường xuyên, tôi nghĩ họ nên thực hiện các biện pháp thích hợp để loại bỏ rào cản" - ông Zhigang cho hay.
Đạo luật Wolf được ban hành vào năm 2011 đã cấm NASA hợp tác với Trung Quốc, trừ khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác nhận không có rủi ro an ninh quốc gia nào khi chia sẻ thông tin với Trung Quốc.
Phía Trung Quốc nói họ vẫn có thể hợp tác với các nhà khoa học của các nước khác như đã hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Pháp, Ý và Pakistan trong sứ mệnh Thường Nga - 6.
Ông Liu Yunfeng, Giám đốc văn phòng hợp tác quốc tế của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc hoan nghênh các nhà khoa học từ mọi quốc gia nộp hồ sơ theo đúng quy trình và cùng chia sẻ lợi ích."
Dẫu vậy, các quan chức Trung Quốc từ chối tiết lộ họ thực sự đã thu thập được bao nhiêu mẫu hoặc bất kỳ thông tin phát hiện sơ bộ nào về mẫu vật mang về.
Đầu tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ dự đoán các mẫu vật được trả về sẽ bao gồm đá núi lửa 2,5 triệu năm tuổi và các vật liệu khác mà các nhà khoa học hy vọng sẽ trả lời các câu hỏi về sự khác biệt về mặt địa lý ở hai phía của Mặt Trăng. Nhiệm vụ này nhằm mục đích thu thập 2 kilôgam (hơn 4 pound) vật liệu.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một số kế hoạch trong tương lai, với một tàu thăm dò Thường Nga - 7 được lên kế hoạch để khám phá các nguồn tài nguyên ở Cực Nam của Mặt Trăng.
Xa hơn nữa, họ đã lên kế hoạch cho Tianwen-3 vào khoảng năm 2030 để thực hiện nhiệm vụ trả lại mẫu sao Hỏa và một nhiệm vụ thám hiểm sao Mộc Tianwen-4.