Vì sao Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP?
Là một hiệp định kinh tế - thương mại khu vực tiêu chuẩn cao, việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập sau khi Mỹ rút lui được truyền thông phương Tây lý giải là vì nước này đang tìm cách phát triển quan hệ kinh tế thương mại với các đồng minh và đối tác của Mỹ, nhằm làm suy yếu biện pháp liên kết đồng minh để cùng kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Mở ra kênh đối thoại
Không thể phủ nhận, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng, CPTPP có thể tăng cường trao đổi kết nối giữa Trung Quốc và các nước liên quan, trở thành nền tảng mới để điều phối các mối quan hệ ở châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thúc đẩy tái định hình hình thái địa chính trị, thực hiện biện pháp lấy lợi ích chung về kinh tế thương mại giữa các nước trong khu vực để phòng ngừa rủi ro địa chính trị.
Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, hệ thống thương mại này sẽ bao phủ thị trường khổng lồ với gần 2 tỷ dân, GDP ước đạt hơn 25.000 tỷ USD.
CPTPP hiện bao gồm 11 nước thành viên có quy mô dân số khoảng 500 triệu người, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt hơn 13.500 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng lượng kinh tế toàn cầu. Nếu Trung Quốc gia nhập, hệ thống thương mại này sẽ bao phủ thị trường khổng lồ với gần 2 tỷ dân GDP đạt hơn 25.000 tỷ USD, tổng lượng kinh tế có thể đạt gần 30% toàn cầu.
Đồng thời, dưới tác động của các làn sóng phản đối toàn cầu hóa như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực đã trở thành con đường quan trọng để các nước tìm kiếm sự hợp tác quốc tế. Những năm gần đây, tiến trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển đáng kể và việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình này.
Về cơ bản, xem xét từ các yêu cầu quy tắc của CPTPP, hiệp định này hạn chế doanh nghiệp nhà nước nhận trợ cấp chính phủ, yêu cầu các nước ký kết phải cùng chia sẻ thông tin doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ sự can dự thái quá của nhà nước đối với thị trường; yêu cầu khi chính phủ các nước ký hợp đồng mua sắm phải đối xử bình đẳng ở mức độ nhất định giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp của quốc gia đó; đồng thời, cấm coi trung tâm dữ liệu thống kê là điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tiếp cận thị trường, cấm yêu cầu doanh nghiệp thương mại điện tử chuyển giao hoặc cung cấp mã nguồn phần mềm; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhiều hơn cho nhà kinh doanh nước ngoài...
Ngoài ra, là hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới, CPTPP cũng có nhiều điều khoản về vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp... như cho phép các công đoàn và tổ chức môi trường độc lập được tồn tại. Xét từ góc độ này, có thể coi việc Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP là một động thái mang màu sắc chính trị, hàm ý rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa, không thiết lập liên minh quân sự, kéo bè kéo cánh như Mỹ ở khu vực, mà sẽ thu hút các đối tác bằng quan hệ kinh tế cùng có lợi.
Động cơ cải cách kinh tế trong nước và nhắm vào Mỹ
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc lại được các học giả đánh giá rằng nước này cũng đang có ý định dựa vào sức ép quốc tế để buộc trong nước phải thúc đẩy cải cách kinh tế hơn nữa. Như trường hợp của Nhật Bản, trong giai đoạn đầu của đàm phán TPP, đã dựa vào đòn bẩy TPP để cải cách cơ chế nhập khẩu nông sản trong nước, vốn là vấn đề nhạy cảm của nước này bấy lâu nay.
Việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho thấy thái độ tích cực hơn của Trung Quốc đối với việc mở cửa và xu hướng toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh Mỹ dường như đang cố gắng tách rời Trung Quốc, giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP đồng nghĩa với việc nước này sẵn sàng chấp nhận các quy tắc và luật chơi quốc tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc tìm cách gia nhập CPTPP cũng xuất phát từ cân nhắc địa chiến lược nước lớn.
Với nhận định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không thể quay trở lại CPTPP sớm, sau khi các nước châu Á - Thái Bình Dương ký RCEP, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP trước Mỹ, do 2 thỏa thuận thương mại lớn của khu vực này đều không có sự hiện diện của Mỹ nên cán cân ảnh hưởng kinh tế của 2 cường quốc ở khu vực sẽ thay đổi. Với quy mô kinh tế của mình, một khi gia nhập CPTPP, Bắc Kinh sẽ trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, do đó việc Washington muốn liên kết với các đồng minh để cản trở Trung Quốc về kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể. Và đây chính là tính toán của Bắc Kinh.
Hiện còn quá sớm để dự báo Bắc Kinh cuối cùng có thể gia nhập CPTPP hay không, bởi quá trình đàm phán với 11 nước thành viên cần ít nhất 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, việc nộp đơn xin gia nhập cho thấy thái độ tích cực hơn của Trung Quốc đối với việc mở cửa và xu hướng toàn cầu hóa. Từ việc là một nước cung cấp năng lực sản xuất có quy mô và hệ thống cũng như đang dần trở thành quốc gia có nhu cầu lớn nhất thế giới cho thấy lựa chọn mở của Bắc Kinh có sự tích cực nhất định đối với thế giới.