Vì sao trung tâm sản xuất thép lớn nhất Hải Phòng phải di dời?
UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản số 891/UBND-QH về việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) ra khỏi khu vực hiện tại, trong đó các nhà máy sản xuất thép chiếm phần lớn diện tích.
Trao đổi về nội dung này, lãnh đạo UBND quận Hồng Bàng cho biết, trên địa bàn phường Quán Toan hiện có 8 doanh nghiệp thép có hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh và kho tàng thuộc diện di dời theo văn bản của UBND TP Hải Phòng, đã được UBND phường Quán Toan gửi thông báo.
Thống kê cho thấy, 8 doanh nghiệp thép nói trên đang quản lý, sử dụng khoảng hơn 50ha đất, nằm dọc theo quốc lộ 5 cũ thuộc hữu ngạn sông Cấm, đây cũng là khu vực sản xuất théo lớn nhất Hải Phòng.
Theo UBND quận Hồng Bàng, trong số các doanh nghiệp thuộc diện di dời nêu trên, chỉ còn 2 doanh nghiệp đang sản xuất ổn định. Cụ thể là Công ty TNHH ống thép Việt Nam sử dụng hơn 3,3ha đất tại phường Quán Toan, thời hạn sử dụng đất đến hết năm 2033. Doanh nghiệp còn lại là Công ty liên doanh sản xuất thép VinaAusteel (thép Việt Úc) đang sử dụng hơn 5,57ha đất. thời hạn sử dụng đất đến năm 2025.
Trong số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, Công ty cổ phần thép cơ khí vật liệu xây dựng (thuộc liên doanh VSC – POSCO, đối tác Hàn Quốc) sử dụng hơn 6ha đã hết hạn sử dụng đất từ năm 2016, được UBND TP Hải Phòng thu hồi giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Hải Phòng) quản lý.
Công ty sản xuất thép SSE (liên doanh đối tác ÚC) sử dụng gần 4,4ha đất chuyên sản xuất kết cấu thép và Công ty cổ phần thương mại thép Hải Phòng – HPS sử dụng hơn 4,35ha đất, theo xác định của UBND quận Hồng Bàng thì trên các khu đất này không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, 1 doanh nghiệp khác thuộc thành phần của SSE là Công ty TNHH phôi thép Úc đang quản lý sử dụng khu đất 7,28ha để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép, dù thời hạn sử dụng đất chỉ còn đến tháng 10/2027 là hết phép, nhưng doanh nghiệp này chưa thực hiện dự án.
Lớn nhất Công ty CP thép Cửu Long được giao hơn 19,4ha, thời hạn sử dụng đến tháng 3/2043, nhưng doanh nghiệp này đã chuyển nhượng tài sản trên đất và quyền sử dụng 13,84ha cho Công ty TNHH Inox Nguyễn Minh, diện tích Công ty Nguyễn Minh nhận chuyển nhượng hiện chưa được UBND TP Hải Phòng cho thuê đất theo quy định.
Liên quan đến việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực trên để thực hiện chỉnh trang đô thị, UBND TP Hải Phòng cho biết, từ năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng từng bước di dời các nhà máy xí nghiệp, kho tàng khu vực nội đô tới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới.
Riêng khu đất ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng và các công trình khác.
Cũng theo UBND TP Hải Phòng, đến nay đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, tiếp tục định hướng di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô để chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Trong đó, một trong những nội dung trước mắt điều chỉnh địa giới một phần huyện An Dương, cụ thể sáp nhập 3 xã thuộc huyện này là An Hồng, An Hưng và Đại Bản về quận Hồng Bàng, giai đoạn 2024-2025.
Để triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao UBND quận Hồng Bàng và huyện An Dương thông báo, hướng dẫn các doanh nghiệp liên quan khẩn trương có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và hoàn thành việc di chuyển trong năm 2025.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo Sở TN&MT không thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với các doanh nghiệp tại khu vực này khi hết thời hạn thuê đất, giao đất theo quy định.