Vì sao Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp?

Dấu son chói lọi trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng ông được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1974, ông Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Thủ tướng Chính phủ. Dù ở cương vị, trọng trách, điều kiện hoàn cảnh nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây cũng là đánh giá, nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), với chủ đề: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.

Với quan điểm “Trường Sơn là một chiến trường” tháng 1/1967, sau khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Đoàn 559 – Đoàn Vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp dẫn các đoàn tiến hành khảo sát và bố trí lực lượng trên toàn tuyến. Bộ Chính trị Trung ương Đảng chỉ rõ, đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch có nhiệm vụ bảo đảm công tác vận chuyển vũ khí, hàng hóa và bộ đội vào chiến trường miền Nam. Theo Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, “Trường Sơn là một chiến trường chiến đấu tổng hợp đặc biệt, sườn Đông và sườn Tây có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong thế chiến tranh”.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thị sát trên đèo Phu La Nhích - đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình, năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thị sát trên đèo Phu La Nhích - đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình, năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Với tư duy và tầm nhìn chiến lược như vậy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tăng cường lực lượng quyết tâm mở thông tuyến đường theo chiều dài đất nước. Theo đề xuất của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định tăng cường lực lượng cho Đoàn 559, tập trung lực lượng lớn gồm: Bộ binh, công binh, thông tin, phòng không, vận tải cơ giới, hậu cần, kỹ thuật và động viên lực lượng dân công, thanh niên xung phong có lúc lên hơn 12 vạn người. Đoàn 559 đã tổ chức năm bộ tư lệnh khu vực và hệ thống 50 binh trạm, các sư đoàn bộ binh, phòng không, công binh, vận tải...

Trung tướng, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng phân tích: “Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến đường đó đã trở thành một mạng lưới đường vận tải quân sự chiến lược nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn dài gần 20.000 km, bao gồm: 5 hệ thống trục dọc và 21 hệ trục ngang, 5 hệ thống đường vượt khẩu, hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm. Đặc biệt, trên tuyến đường, tận dụng ưu thế địa hình, ta đã mở 800 km đường “kín”, dùng tán cây rừng nhiều tầng làm màn ngụy trang. Tổ chức xây dựng các binh trạm trên khu vực thuận lợi, lợi dụng thế hiểm yếu của địa hình để xây dựng trận địa phòng không, triển khai xây dựng các hầm ụ phòng tránh, các khu xuất phát của bộ đội vận tải; Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh được bố trí gần trục đường, xây dựng củng cố các cửa khẩu”.

Trung tướng, Tiến sĩ Lê Xuân Thành

Trung tướng, Tiến sĩ Lê Xuân Thành

Để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược trên đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã tung vào cuộc chiến với những vũ khí tối tân hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nhiều loại bom mìn được chúng sử dụng như bom cháy, bom nổ chậm, bom từ trường, bom điện quang, bom laser, … Tổng cộng, đã có hơn 500 triệu quả bom, mìn được trút xuống tuyến đường Trường Sơn. Đế quốc Mỹ và tay sai đã không từ một thủ đoạn, biện pháp nào để ngăn chặn, phá hoại, biến Trường Sơn thành chiến trường khốc liệt, với hàng trăm nghìn trận không kích, càn quét, đã ném xuống Trường Sơn 4 triệu trong tổng số 7 triệu tấn bom Mỹ ném xuống trong cả cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bình quân mỗi năm, 1km đường trên tuyến đường phải chịu 4.820 quả bom và đạn rốc két. Tổng chi phí ước tính cho hoạt động đánh phá là 800 triệu USD mỗi năm.

Kết hợp với đánh phá, Mỹ còn triển khai kế hoạch gây mưa nhân tạo, làm tăng thêm những hậu quả lớn đối với công tác vận chuyển trên đường Trường Sơn. Phân tích hoạt động của địch trên chiến trường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ rõ, trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Đường Trường Sơn đối tượng tác chiến chủ yếu của ta là lực lượng không quân Mỹ, có số lượng máy bay lớn, lượng bom đạn nhiều, hiện đại, gần như làm chủ trên không. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, không quân địch cũng có những hạn chế, nhược điểm không thể khắc phục được, đó là: không thể đánh phá cùng lúc, liên tục ngày đêm vào tuyến đường vận chuyển dài, rộng của ta; địch chỉ làm chủ trên không mà không làm chủ được mặt đất, hoạt động của không quân địch phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình, khí tượng.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971.

Vượt qua những mưa bom, bão đạn của kẻ thù, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đến tận các trọng điểm ác liệt, để động viên bộ đội. Là người đã có những năm tháng gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại, cựu chiến binh Phạm Văn Việt, nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, được Tư lệnh chia sẻ bát canh rau giữa đại ngàn Trường Sơn.

“Cả trung đội chúng tôi nhìn nhau vì quá bất ngờ. Tôi vội giơ hai tay đỡ bát canh từ tay ông mà không hiểu sao thấy nóng ran khắp cả người, nước mắt trực trào ra! Bát canh của Tư lệnh chỉ thế này thôi ư? Mấy sợi bí xanh, cấp dưỡng nạo rất mỏng, hình như nấu với bột cua hay bột tôm thì phải. Tôi buột miệng: “Cả bữa của thủ trưởng có một bát canh mà lại mang cho chúng em thì thủ trưởng ăn bằng gì?! Thay mặt đơn vị, em xin cám ơn thủ trưởng, nhưng xin gửi lại thủ trưởng thôi!”. Ông cười và bảo: “Gọi là cùng ăn với nhau cho vui thôi mà. Chẳng nhẽ phải có cả nồi canh to tướng mới mời được các cậu hay sao?”. Thế là chúng tôi cùng cười theo ông”, ông Phạm Văn Việt nhớ lại.

Cựu chiến binh Phạm Văn Việt

Cựu chiến binh Phạm Văn Việt

Dấu son chói lọi trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng ông được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, sự bất lợi về địa hình, thời tiết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tổ chức, động viên hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ,… ngày đêm đương đầu với mưa bom bão đạn của địch, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm phấn đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo phát triển đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược – hậu phương trực tiếp cho các chiến trường, sáng tạo ra một kiểu tổ chức vận tải chiến lược, một binh đoàn binh chủng hợp thành lấy bộ đội vận tải làm trung tâm, thực hiện thành công công cuộc chi viện từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo nên nghệ thuật đảm bảo chi viện trong chiến tranh cách mạng”.

Trong thời gian gần 10 năm ông Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Chúng ta đã chuyển từ phòng tránh sang chủ động tiến công, lấy tác chiến là nền tảng, vận tải là trung tâm, thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; kết hợp giữa vận chuyển và chiến đấu, chiến đấu với vận chuyển; kết hợp đánh địch với phòng tránh, kết hợp giữa chiến đấu với chống địch ngăn chặn, tăng cường đánh địch trên không, mặt đất, bảo vệ tuyến đường và hành lang vận tải theo một kế hoạch thống nhất.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh

Thượng tướng Lê Huy Vịnh

Hệ thống phòng không được xây dựng liên hoàn, vững chắc, nhiều lớp, hỏa lực mạnh, bố trí chốt giữ bảo vệ đường và cơ động theo đội hình vận chuyển nhất là tuyến trọng điểm, chủ động đánh trả các đợt ném bom của địch, tạo thành lưới lửa bảo vệ trên đầu đội hình vận tải, không để lái xe đơn độc trên đường; công binh túc trực bên đường, khi địch đánh thì vào hầm trú ẩn, ngưng đánh ra sửa đường; còn bộ binh liên tục mở các chiến dịch đẩy địch ra xa. Ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, năm 1974, ông Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông tham gia Bộ Chỉ huy Chiến dịch, cùng đoàn quân tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Tên tuổi, sự nghiệp của ông luôn gắn liền với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ông có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều công trình trọng điểm của quốc gia mang đậm dấu ấn của ông”./.

Trường Giang/Phát thanh Quân đội

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-trung-tuong-dong-sy-nguyen-duoc-thang-quan-ham-vuot-cap-post1003803.vov