Vì sao từng tiêm vắc-xin AstraZeneca không cần xét nghiệm D-Dimer?
Theo BS.Hoàng, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Những ngày qua, thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc-xin Covid-19 có thể gây cục máu đông nhận được sự quan tâm của dư luận. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện quảng cáo đi xét nghiệm máu D-dimer để phát hiện xem có bị hình thành cục máu đông hay không, nếu có thì uống thuốc tan cục máu đông. Vậy xét nghiệm D-Dimer có cần thiết với những người đã tiêm vắc-xin covid của AstraZeneca?
Trao đổi với Người Đưa Tin, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng khẳng định người đã từng tiêm 2-3 mũi vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 không cần xét nghiệm D-dimer hay bất cứ xét nghiệm đông máu nào.
Lý do được BS.Hoàng đưa ra là tác dụng gây đông máu và giảm tiểu cầu chỉ xảy ra với xác suất rất thấp.
"Trong trường hợp hiếm hoi bị ảnh hưởng, nó cũng chỉ ảnh hưởng trong khoảng thời gian 4 tuần sau khi tiêm vắc-xin lần đầu", BS.Hoàng cho hay.
Theo BS.Hoàng, nếu có chẳng may hình thành cục máu đông có hai trường hợp:
Trường hợp 1: Cục máu đông to, gây biến cố ngay, ví dụ như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... lúc này người bệnh biết có thể dính tác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca.
Trường hợp 2: Cục máu đông nhỏ nó sẽ tan dần, thường sau 24 giờ, tối đa 4 tuần là không còn.
BS.Hoàng phân tích, khi cục máu đông phân hủy sẽ sinh ra D-dimer trong máu. "Mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca của bạn gần nhất cách đây có lẽ cũng 2 năm. Nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nào nữa", BS.Hoàng nói.
Do đó, theo chuyên gia y tế, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca. Nếu xét nghiệm trong vòng 6-8 tuần sau khi tiêm thì có thể còn có ý nghĩa.
"Việc đổ xô đi xét nghiệm D-dimer hay các chỉ số đông máu khác vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích", BS.Hoàng nhấn mạnh.
Đồng thời, BS.Hoàng cũng lưu ý, bình thường quá trình hình thành và phân hủy các cục máu đông nhỏ luôn diễn ra một cách liên tục trong cơ thể.
Trước đó, liên quan đến AstraZeneca thừa nhận vắc xin Covid-19 của hãng có thể gây cục máu đông, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết khi đưa vắc-xin Covid-19 AstraZeneca vào tiêm chủng, Việt Nam cũng đã rất thận trọng; hãng dược cũng có cảnh báo về những nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ.
"Khi bắt đầu tiêm chủng vắc-xin Covid-19, ban đầu chỉ được tổ chức tại bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời nếu có tác dụng phụ nguy hiểm. Bộ Y tế cũng đưa ra những quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, giám sát tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng.
Người dân trước tiêm chủng được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và theo dõi sau tiêm. Sau này, quá trình theo dõi cho thấy nguy cơ phản ứng nguy hiểm sau tiêm ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, địa điểm tiêm cũng mở rộng hơn", ông Khuê cho hay.
Ông Khuê cũng nhấn mạnh: "Hầu hết mọi người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cách đây nhiều năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu".