Vì sao tuyển Việt Nam quật ngã Trung Quốc?
Sự cộng hưởng từ chất lượng chơi bóng của cả hai bên đã mang tới kết quả hạnh phúc cho người hâm mộ Việt Nam, 3 điểm đã ở lại sân Mỹ Đình trong ngày đầu xuân Nhâm Dần.
Sau trận thua 0-2 trước Nhật Bản cách đây 4 ngày, HLV Li Xiaopeng nói rằng "thua Nhật Bản là bình thường". Trên thực tế đây cũng là cách suy nghĩ của rất nhiều cổ động viên bóng đá Việt Nam. Chúng ta vẫn có sự dè chừng trước Trung Quốc, một phần bởi chuỗi 7 trận thua liên tiếp suốt từ đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022 tới nay.
Trung Quốc sa sút
Trên thực tế, Zing từng đăng tải phân tích cho thấy rằng Trung Quốc đang có biểu hiện yếu đi so với chính họ, thể hiện bằng chính chất lượng thi đấu trước Nhật Bản. Kết quả thua là bình thường, nhưng cách thua - hay nói chính xác là lối chơi - mới là thước đo quan trọng nhất.
Ở lượt đi, họ đã thua, nhưng họ chơi tốt. HLV Li Tie đã thể hiện được tầm vóc của bản thân khi xây dựng cho đội tuyển xứ tỷ dân một phong cách thi đấu hiện đại, giàu tính tổ chức, với nền tảng quan trọng là cấu trúc đội hình với cự ly chặt chẽ và giàu cá tính.
Ông Li Tie từ chức, người bạn cũ Xiaopeng lên thay, và dường như Trung Quốc đã lập tức đánh mất những điểm mạnh ấy.
Liên tục là những pha chuyền dài từ quá sớm, Trung Quốc không còn thể hiện được khả năng xuyên phá một cách có tổ chức. Các tiền vệ trung tâm của họ cũng gần như không có thái độ hỗ trợ một cách cần thiết mà chỉ giữ vị trí căn bản một cách rất nhạt nhòa. Các tổ di chuyển phối hợp của Trung Quốc dưới thời HLV Li Tie gần như không còn hiện hữu.
Điều đáng nói là ở một số tình huống hiếm hoi khi Trung Quốc thể hiện một cấu trúc đội hình tốt và một số cầu thủ di chuyển linh hoạt, gần như lập tức họ tái hiện lại khả năng phối hợp nhóm để xuống biên.
Tình huống ở phút 35 của trận đấu là một pha bóng như vậy: chỉ cần các cầu thủ di chuyển ra khỏi không gian căn bản, họ lập tức có pha phối hợp tốt.
Wu Lei đã nhận bóng ở vị trí giữa hai hàng ngang phòng ngự - vốn là điểm yếu của tuyển Việt Nam - trước khi tạo cơ hội cho đồng đội.
Rõ ràng, đối thủ đã yếu đi. Và tuyển Việt Nam đã tận dụng tối đa các cơ hội bằng một phong thái thi đấu tự tin, dám chơi.
Việt Nam cũng khác
Không chỉ có Trung Quốc thay đổi, mà Việt Nam cũng thay đổi. Sự thay đổi ấy không quá lớn, và thật khó để lập tức xác định rằng đây là một thứ "công lao" nào đó của ban huấn luyện. Nhưng đó là những sự thay đổi tích cực, thể hiện tinh thần "dám chơi" nhiều hơn trong cách cầm bóng.
Sự thay đổi lớn đầu tiên và quan trọng nhất là cấu trúc vị trí. Khác với rất nhiều trận đấu trước đây ở vòng loại thứ ba World Cup, gần như lần đầu tiên, hai cầu thủ chạy cánh của Việt Nam dâng lên đứng vị trí rất cao.
Việc Hồng Duy và Tấn Tài đứng cao đẩy lùi hàng phòng ngự đối thủ xuống cùng các tiền đạo, khiến hệ thống của đối thủ bị kéo giãn.
Ngoài ra, họ cũng "nhường" lại khu vực trung tuyến cho bộ ba chân chuyền Hoàng Đức - Hùng Dũng - Quang Hải. Ba cái tên này luôn ở rất gần nhau để đan bóng và triển khai lên phía trên.
Ví dụ, trong hình ảnh minh họa trên, Quang Hải mở rộng sang khu vực mà Tấn Tài đã để lại, thì Hùng Dũng cũng sẽ di chuyển sang hẳn cánh này chứ không đứng rộng ở phía bên kia.
Cách hoạt động này phù hợp với điểm mạnh của các nhân sự trong tay ông Park Hang Seo. Chưa kể, Hùng Dũng và Quang Hải thì vốn đã quá quen thuộc với các pha đập nhả cùng nhau từ CLB Hà Nội.
Việc các cầu thủ rời khỏi khu vực hoạt động theo "lẽ thường" này là điều bắt buộc trong bóng đá hiện đại để có thể tạo ra được đột biến trong triển khai tấn công.
Ngay bàn mở tỷ số, chính việc Hồng Duy bất ngờ di chuyển vào bên trong, Hùng Dùng lại dâng lên ôm sát biên trái đã khiến 2 hậu vệ Trung Quốc rơi vào trạng thái bị hút khỏi vị trí. Tuấn Hải đã có một pha băng cắt để tấn công chiều sâu hoàn hảo, đón đường chuyền của Tiến Dũng.
Khi Tuấn Hải nhả bóng ra cho Hùng Dũng, các hậu vệ của Trung Quốc đã bị hút hết vào bên trong. Và tới đây là dấu ấn của việc các cầu thủ chạy cánh dâng cao. Nếu không đứng ở vị trí đủ cao thì Tấn Tài sao có thể băng vào đúng chỗ?
Dấu ấn Hùng Dũng & Tuấn Hải
Và không thể phủ nhận được dấu ấn đẳng cấp của Đỗ Hùng Dũng. Quả bóng vàng Việt Nam năm 2019 là cái tên quan trọng nhất để làm nên bàn thứ hai, qua đó tạo lợi thế khó có thể san lấp cho chúng ta. Cũng không thể không kể tới đàn em Tuấn Hải đã ăn ý và thông minh.
Một đường chuyền bóng phải có 2 đầu: người chuyền và người nhận. Người chuyền bóng kỹ thuật có tốt đến mấy mà người nhận không di chuyển để tự đưa mình vào vị trí tốt, tạo ra phương án cho người cầm bóng thì đường chuyền khó có thể được thực hiện.
Đầu tiên, một lần nữa là pha băng dọc để tấn công khoảng trống nhạy bén của Tuấn Hải. Hùng Dũng lốp bóng qua đầu hậu vệ, và Hải đã khống chế rất gọn trước khi xoay người.
Đẳng cấp của Hùng Dũng thể hiện ở điểm, ngay sau khi chuyền, anh lập tức mở tốc độ chạy chồng vào bên trong. Một cầu thủ khác rất có thể sẽ đứng ở biên để xin một cú nhả ra từ Tuấn Hải. Cú chạy của Hùng Dũng thể hiện một tư duy tuyệt hảo, mang tới lựa chọn thả bóng xuống cho Hải "bé".
Điều quan trọng là cú chạy xuống đáy biên kiểu này hoàn toàn có thể thấy rất nhiều tại CLB Hà Nội dưới thời HLV Chu Đình Nghiêm. Văn Quyết, Quang Hải, Thành Lương cũng là những cá nhân có thói quen di chuyển như thế.
Mà đường chuyền trả chéo lên từ đáy biên thì luôn là một trong những đường chuyền ăn bàn nhiều nhất, khó cản nhất.
Quá xui cho Trung Quốc. Họ thất bại đầu năm âm lịch với một lối chơi đi xuống sau khi thay "thuyền trưởng". Nhưng cũng cần khẳng định chất lượng có phần nhỉnh hơn của Việt Nam, khi những gương mặt mới mà cũ tạo điểm nhấn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tuyen-viet-nam-quat-nga-trung-quoc-post1293717.html