Vì sao tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao?
Trả lời chất vấn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, nếu đưa hết khiếu kiện về đất đai sang Tòa án giải quyết là đã giới hạn quyền lựa chọn của người dân, bởi có những vụ để UBND giải quyết nhanh hơn.
Là một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên gửi câu hỏi chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20-3, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) phản ánh, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này?
Bà Hoa cũng nêu, thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai.
Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. “Chánh án TANDTC đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?” – ĐB Phương Hoa hỏi?
Trả lời, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đúng là vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, trong đó có một số nguyên nhân chủ quan như vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh…
Tuy nhiên, số lượng không nhiều, đại đa số các bản án đều xử lý đúng theo các quy định pháp luật.
“Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế…” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Về giải pháp đề hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, Chánh án TANDTC cho rằng, cần thực hiện theo hướng, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử.
Về việc các vụ việc, vụ án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan, Chánh án TANDTC cho rằng, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu và ngành Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Còn về câu hỏi thứ hai của ĐB Phương Hoa, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân. Thực tế nếu có lựa chọn cho phép giải quyết ở cấp UBND thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ hơn.
Vì thế, Chánh án TANDTC đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án giải quyết như trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang xây dựng.