Vì sao tỷ lệ đau tim đang ngày càng gia tăng ở giới trẻ?
Những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và đau tim của người trẻ ở Mỹ đã tăng đột biến vì vài nguyên nhân phổ biến. Bài học từ Mỹ có thể được áp dụng để ngăn đau tim trong giới trẻ ở các nước khác.
Khi các nhân viên y tế xuất hiện sau cuộc gọi cấp cứu từ mẹ của Raquel Hutt, họ thấy một cô gái 24 tuổi gầy gò và gương mặt sợ hãi. Họ cho rằng những cơn đau dữ dội đang lan xuống vùng vai trái của cô là dấu hiệu của một cơn hoảng loạn và đánh giá đây không phải biểu hiện thông thường của một cơn đau tim (như suy nghĩ của mẹ cô, bà Jenny).
Tuy nhiên, nhân viên y tế vẫn đưa Raquel tới viện theo yêu cầu của bà Jenny. Ở đây, các bác sĩ xác nhận Raquel thực sự đã bị đau tim. “Tôi đã rất sốc trước cách nhân viên y tế chẩn đoán cho mình, dựa trên tuổi tác, thể trạng và tiền sử bệnh tật, như thể họ coi tôi là một người hoàn toàn khỏe mạnh”, Raquel chia sẻ với chương trình truyền hình The Today Show về trải nghiệm tồi tệ của bản thân.
Mặc dù các cơn đau tim là điều hiếm gặp ở giới trẻ, những trường hợp giống của Raquel đang trở nên ngày càng phổ biến. Các chuyên gia đang nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến xu hướng đáng lo ngại này và đưa ra khuyến nghị về biện pháp mà mọi người, ở mọi lứa tuổi có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Trong năm 2019, chỉ có 0,3% lượng người trưởng thành tại Mỹ phải chịu những cơn đau tim, theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (NCHS - Mỹ). Tuy nhiên con số đó đã tăng thành 0,5% vào năm ngoái, điều đó chứng tỏ rằng dù việc những người trẻ bị đau tim vẫn còn khá ít nhưng trong 4 năm qua, tỉ lệ mắc phải đã tăng 66%.
Dù các cơn đau tim vẫn diễn ra nhiều hơn ở nhóm người lớn tuổi, dữ liệu từ NCHS cho thấy tỷ lệ ở mọi nhóm tuổi khác đã giảm kể từ năm 2019, trừ nhóm người trẻ. Tỷ lệ đau tim lại gia tăng ở nhóm này – một nhóm trước đây có rất ít nguy cơ bị các biến chứng hay bệnh về tim mạch. Điều này khiến các bác sĩ, nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân. Cho tới khi chưa có đáp án rõ ràng, chúng ta cũng cần biết về một số xu hướng có thể đóng vai trò nhất định gây ra hiện tượng này.
“Dịch bệnh” béo phì
Người trưởng thành dưới 50 tuổi không phải là nhóm duy nhất bị ảnh hưởng bởi thứ gọi là "dịch bệnh béo phì”. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ rằng sức khỏe tim mạch của họ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các thế hệ trước.
"Mặc dù tỷ lệ béo phì đều tăng lên ở mọi nhóm tuổi, nhưng mức độ tăng ở người trẻ lại nhanh hơn nhiều so với người lớn tuổi", tiến sĩ Andrew Moran, bác sĩ tim mạch tại Đại học Columbia, cho biết.
Một phần lý do có thể là vì thói quen dinh dưỡng hình thành khá sớm trong thời thơ ấu, giáo sư tim mạch tại Cedars-Sinai, tiến sĩ Noel Bairey Merz, chia sẻ. Bà cho rằng việc đồ ăn nhanh trở nên phổ biến sau Thế chiến thứ hai và việc người ta dùng bữa bên ngoài nhiều hơn tự nấu ở nhà là các yếu tố có ảnh hưởng quan trọng.
Các bệnh nhân trẻ tuổi – những người ở độ tuổi dưới 40 – đã phát triển thói quen ăn ngoài trong thời kỳ hoàng kim của các hãng đồ ăn nhanh như McDonald's, Dorito hay Big Gulps. Bairey Merz cho rằng người trẻ đã lớn lên với chế độ ăn uống đầy thực phẩm giàu calo, nhưng ít chất dinh dưỡng. Khi trưởng thành, họ duy trì thói quen từ thời thơ ấu và vẫn tiếp tục tiêu thụ các đồ ăn có hại nêu trên.
Chế độ ăn uống kém chất lượng, kết hợp với lối sống ít vận động, đã làm phát triển cái mà Bairey Merz gọi là “dịch bệnh béo phì” – sự kết hợp của tăng cân và tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Béo phì và tiểu đường là những yếu tố chính dẫn đến huyết áp cao. Cả ba đều tác động tới khả năng mắc bệnh tim mạch, vì chúng có thể làm hỏng mạch máu và tăng huyết áp cho tim.
COVID làm tăng tình trạng đau tim sớm
Chúng ta đã biết rằng đại dịch COVID-19 vừa diễn ra có thể gây tổn thương đến tim và hệ tuần hoàn của cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh còn gây ra tình trạng viêm cơ tim hay ảnh hưởng nguy hiểm đến phổi. Mặc dù các ca nghiêm trọng như vậy ở người trẻ khá hiếm, nhưng nếu bị thì họ sẽ dễ chịu tổn thương, đặc biệt là với người có thể trạng béo phì hoặc có hệ thống tim mạch yếu.
Theo một nghiên cứu, trong hai năm đầu của đại dịch COVID-19, số ca tử vong do đau tim ở những người từ 25 đến 44 tuổi đã tăng 30% so với dự đoán. Nghiên cứu khác cho thấy cứ 100 người ở Mỹ thì có 4 người phát triển triệu chứng liên quan đến tim trong vòng một năm kể từ khi họ khỏi bệnh COVID-19.
Hút thuốc, kỳ kinh, stress
Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ đau tim tăng mạnh nhất ở nhóm phụ nữ trẻ. Cụ thể, từ năm 1995 đến 2014, tỷ lệ nhập viện vì đau tim ở phụ nữ trong độ tuổi 35 đến 54 đã tăng từ 21% lên 31%.
Bairey Merz đang cố gắng tìm hiểu tại sao tỷ lệ này lại gia tăng ở phụ nữ trẻ và bà có một số giả thuyết. Đầu tiên, bà cho rằng “bệnh béo phì rõ ràng đang góp phần lớn vào tỷ lệ gia tăng các vấn đề về tim mạch”. Ngoài ra, tiểu đường cũng là yếu tố tác động, gây ảnh hưởng lớn hơn trên nữ giới so với nam giới.
Thói quen hút thuốc, thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ đau tim. "Chúng tôi đang thấy một nhóm phụ nữ có học vấn cao hình thành xu hướng hút thuốc khi họ học đại học... vì lý do quản lý cân nặng (theo một số nghiên cứu, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới có vẻ sẽ giúp người dùng giảm cân)", Bairey Merz chia sẻ. Bà nói thêm rằng thuốc lá điện tử có khả năng gây hại cho tim mạch tương tự như thuốc lá truyền thống.
Cuối cùng là mối quan hệ giữa việc bị stress (căng thẳng), chu kỳ kinh nguyệt và hoạt động của hormone với khả năng bị đau tim ở phụ nữ. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đang được phát triển, nhưng Bairey Merz cho rằng “phụ nữ trẻ đối mặt với nhiều căng thẳng, lo lắng và áp lực hơn (nam giới), và hầu hết các vấn đề này đều liên quan đến mạng xã hội”.
Làm gì để tránh đau tim
Có nhiều cách để người trẻ tránh nguy cơ bị đau tim. Trước hết, họ cần ăn uống lành mạnh, dùng nhiều thực phẩm tươi, bao gồm trái cây và rau củ, cũng như hạn chế thực phẩm đóng gói. Họ cũng nên ăn chế độ ít muối hơn để phòng ngừa bệnh tim.
Ngoài ra, người trẻ nên tăng cường vận động. Hãy chọn một hoạt động thể dục mà bản thân có thể duy trì tốt, như việc đi bộ 7.000 bước mỗi ngày.
Tiếp theo là bỏ thuốc. Việc hút thuốc, dù là thuốc truyền thống hay thuốc lá điện tử đều có hại như nhau. Tương tự, người trẻ nên giảm uống rượu. Trước đây, một ly rượu vang đỏ từng được cho là tốt cho tim mạch, nhưng nghiên cứu gần đây đã bác bỏ quan điểm này. Thực tế, việc uống bất kỳ loại rượu nào, với lượng ít hay nhiều, cũng đều có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Người trẻ cũng nên ngủ đủ giấc để giảm thiểu rủi ro. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Kiểm soát cân nặng là việc tiếp theo nên làm. Hãy nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để biết cân nặng hợp lý của bản thân nên là bao nhiêu và kiểm soát nó bằng chế độ dinh dưỡng cùng hoạt động thể chất hàng ngày.
Cuối cùng, người trẻ nên kiểm tra nồng độ cholesterol, đường huyết và huyết áp của bản thân. “Có một danh sách các xét nghiệm mà mọi người nên thực hiện (bao gồm: khám thể chất, mắt, nha khoa, da liễu, STI - bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục)”, Andrew cho biết. Ông khuyến nghị mọi người đều nên thực hiện những xét nghiệm này cũng như thảo luận với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của gia đình (các vấn đề về di truyền) và tìm cách kiểm soát nếu thấy chỉ số nào quá cao./.