Vì sao tỷ lệ người dân huyện Nga Sơn sử dụng nước sạch còn thấp?

Là huyện ven biển nên nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn diễn biến khá phức tạp từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi huyện Nga Sơn nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư các nhà máy nước sạch cung cấp cho bà con, thì lại xảy ra nghịch lý khi tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lại không được như kỳ vọng.

Nước nhiễm mặn, phèn khiến máy móc, vật dụng của người dân nhanh chóng bị hư hỏng.

Nước nhiễm mặn...

Tình trạng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn tại một số xã ven biển huyện Nga Sơn diễn ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như tiêu chí trong XDNTM của các địa phương. Với xã Nga Phú, dân số trên 7.000 khẩu, nguồn nước nhiễm mặn diễn ra ở gần như tất cả các thôn trên địa bàn. Không có nước sạch, bà con lâu nay phụ thuộc nhiều vào nước mưa và vô số những giải pháp bất đắc dĩ để có nước ngọt sử dụng.

Ông Trần Văn Hồng ở thôn Tân Hải, xã Nga Phú cho biết: Nước giếng khoan có mức độ nhiễm mặn rất cao nên không thể dùng. Để có nước sử dụng, người dân phải đào giếng khơi, xây bể chứa nước mưa. Vào mùa mưa thì có nước để dùng, đến mùa nắng nóng nước giếng khơi cạn, bể chứa nước mưa cũng trơ đáy, người dân lâm cảnh “khát” nước.

Bà Nguyễn Thị Luân ở thôn Tân Hải, xã Nga Phú cho biết, gia đình phải đào giếng khơi ngay cạnh ao nuôi thả cá để lấy nước thẩm thấu. Nguồn nước này sẽ được bơm lên, qua bể lọc để ăn uống, sinh hoạt. Vào mùa mưa, nguồn nước sau lắng lọc còn sử dụng được. Vào mùa hanh khô, mưa ít, nước ao tù, hôi thối thẩm thấu sang giếng khơi, dù đã lắng lọc vẫn có mùi hôi.

“Để sử dụng được nguồn nước giếng khơi, gia đình tôi cũng như bà con trong xã phải đầu tư khá tốn kém hệ thống bể lắng lọc để xử lý nhiều lần. Bước cuối cùng để có thể sử dụng là lọc qua máy RO. Việc nguồn nước nhiễm mặn cũng khiến cho máy bơm, cùng nhiều vật dụng nhanh hư hỏng”, bà Luân nói.

Nói về nhu cầu sử dụng nước sạch, bà Luân khẳng định đấy là ước mong không chỉ của riêng gia đình bà. Có nước sạch các thành viên trong gia đình sẽ được sử dụng nguồn nước đảm bảo, an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.

Chủ tịch UBND xã Nga Phú Vũ Ngọc Huynh cho biết: Tình trạng nguồn nước nhiễm mặn là bất cập lâu nay của địa phương. Nguồn nước không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như các tiêu chí trong XDNTM nâng cao của xã. Nguồn nước nhiễm mặn không chỉ xảy ra ở xã Nga Phú mà nhiều xã khác của huyện Nga Sơn cùng chung tình trạng.

Trước những bất cập trên, để bảo đảm cấp nước sạch cho người dân, huyện Nga Sơn đã phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới 2 Dự án nhà máy nước sạch Nam Nga Sơn (do Công ty CP Xây dựng và Tự động hóa Đức Anh làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 9.800m3/ngày đêm, phục vụ người dân 7 xã phía Nam của huyện Nga Sơn) và nhà máy nước sạch Bắc Nga Sơn (do Công ty CP Đầu tư xây dựng VN1 làm chủ đầu tư, công suất 10.000m3/ngày đêm, phục vụ nước sạch cho 8 xã phía Bắc của huyện Nga Sơn). Với công suất thiết kế của 2 nhà máy này, cơ bản giải quyết những bất cập lâu nay của các địa phương.

Tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp

Nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con Nhân dân các xã bị ảnh hưởng do nhiễm mặn tại huyện Nga Sơn là rất bức thiết. Tuy nhiên, sau một thời gian 2 nhà máy nước sạch đi vào vận hành, tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng dịch vụ từ các nhà máy nước này lại rất thấp. Cụ thể, theo số liệu tính đến tháng 11/2023 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn rà soát, cung cấp, cho thấy còn nhiều xã có tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp dưới 50%. Cụ thể các xã như: Nga Bạch (tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung 0,5%); Nga Điền (35,1%); Nga Phượng (18,5%); Nga Phú (44,5%); Nga Thủy (2,2%); Nga Thành (27,4%); Nga Thạch (15,5%); Nga Trung (8,2%); Nga Giáp (17,5%); Nga Thắng (36,8%)...

Nhà máy nước sạch Bắc Nga Sơn được đầu tư khang trang.

Theo tìm hiểu từ phía người dân các địa phương cho thấy, nguyên nhân một phần được cho là do chi phí lắp đặt sử dụng nước sạch cao, nên dù “khát” nước sạch, nhiều hộ dân vẫn nhất quyết không tham gia.

“Nếu tham gia sử dụng nước sạch, gia đình tôi phải đóng 4,5 triệu đồng và thêm 1,5 triệu đồng chi phí đường ống dẫn lên bể. Mức đóng góp này cao hơn nhiều so với các địa phương khác”, bà Nguyễn Thị Luân ở thôn Tân Hải, xã Nga Phú nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Nga Phú Vũ Ngọc Huynh lý giải: Bên cạnh việc các hộ dân thắc mắc về mức đóng góp được cho là cao, thì một nguyên nhân nữa là nhiều hộ có điều kiện khó khăn, hộ ít khẩu, hộ đơn thân... không tham gia. Trường hợp như các hộ có hệ thống bể chứa nước mưa lớn, nhân khẩu ít, bản thân các hộ tự chủ động nguồn nước sử dụng nên không tham gia. Đến thời điểm hiện tại, ngoài một số tiêu chí khó chưa đạt, thì tiêu chí tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung của xã cũng chưa đạt theo yêu cầu (yêu cầu đối với xã NTM nâng cao là từ 55% trở lên). Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền cho bà con về lợi ích lâu dài của việc sử dụng nước sạch.

Theo ông Đoàn Kiều Hưng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, bên cạnh một số nguyên nhân trên, nhiều xã có tỷ lệ sử dụng nước sạch rất thấp còn bởi quá trình đầu tư hạ tầng đường ống dẫn nước về các xã bị chậm do vướng mắc quá trình thi công. Cụ thể, khi triển khai đưa đường ống về các xã thì gặp vướng mắc tại một số dự án, công trình giao thông đang triển khai như đường tỉnh 524; vướng mắc thủ tục khi thi công cắt qua Quốc lộ 10...

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho bà con Nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tìm tiếng nói chung giữa người dân, doanh nghiệp, từ đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, hàng năm huyện cũng tăng cường xây dựng các phương án chống hạn, chống xâm thực mặn...

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/vi-sao-ty-le-nguoi-dan-huyen-nga-son-su-dung-nuoc-sach-con-thap/200885.htm