Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức thấp hơn Pháp?
Pháp và Đức, hai cường quốc kinh tế và có hệ thống y tế tốt nhất tại châu Âu, đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, tuy nhiên tỷ lệ tử vong tại Pháp lại cao gấp bốn lần Đức.
NDĐT - Pháp và Đức, hai cường quốc kinh tế và có hệ thống y tế tốt nhất tại châu Âu, đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, tuy nhiên tỷ lệ tử vong tại Pháp lại cao gấp bốn lần Đức.
Tính đến tối 19-4, thế giới ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó 163 nghìn trường hợp tử vong do Covid-19. Tại Pháp, số ca nhiễm bệnh là 152.894 ca, số ca tử vong là 19.918 ca, trong đó 12.069 ca tử vong tại bệnh viện và 7.649 trường hợp tử vong tại các nhà dưỡng lão.
Tại Đức, số ca mắc bệnh là 145.184 ca và 4.586 ca tử vong.
Báo Vox đưa tin, Bà Marieke Degen, phó phát ngôn Viện Sức khỏe Cộng đồng Robert-Koch, chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, thuộc Bộ Y tế Đức cho biết, những người đầu tiên mang mầm bệnh về Đức là những người đi trượt tuyết trở về từ Áo và Italy.
Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, Đức đã tích cực tiến hành xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn và giám sát chặt chẽ những người có triệu chứng. Việc xét nghiệm sớm đã giúp giới chức y tế công cộng hiểu rõ hơn về nơi dịch bệnh bùng phát và mức độ lây lan trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này cũng giúp giải thích tại sao số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh rất cao nhưng số người tử vong thấp. Hàng trăm nghìn người đang được xét nghiệm sàng lọc mỗi tuần, tỷ lệ nhiễm bệnh dẫn đến tử vong ngày càng ít hơn.
Phần lớn các ca nhiễm ban đầu được phát hiện ở phía tây vùng Heinsberg, gần các bệnh viện ở Bonn, Düsseldorf, Cologne và các thành phố khác, nơi các bệnh nhân được chăm sóc y tế tốt nhất.
Ông Christian Drosten, Giám đốc Viện nghiên cứu thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin, phân tích lý do tại sao số người nhiễm bệnh tử vong ít hơn vì Đức làm xét nghiệm nhiều hơn so với các nước châu Âu khác. Ngay khi xảy ra đại dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan trên toàn cầu và trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Đức được xác nhận vào tháng 2, các trung tâm xét nghiệm của nước này đã được chuẩn bị tốt, dự trữ máy móc, dụng cụ xét nghiệm.
Tờ Thời báo New York cho biết, thành phố Heidelberg dành một số xe ô-tô được gọi là “Corona taxi” để chuyên chở bác sĩ đến nhà chăm sóc người bị bệnh từ năm đến sáu ngày. Các bác sĩ làm xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh nhân xem có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiêm trọng để quyết định cho nhập viện hay không. Điều này không chỉ giúp các nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân mà còn cho phép họ can thiệp vào giai đoạn quan trọng của bệnh, từ đó giảm nguy cơ tử vong.
Ông Hend Hendrik Streeck, người đứng đầu Khoa nghiên cứu virus, Đại học Bon, nói với tờ Thời báo New York rằng: “Xét nghiệm và theo dõi là một chiến lược thành công ở Hàn Quốc và chúng tôi đã cố gắng học hỏi từ đó”.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến số người tử vong ở Pháp cao là độ tuổi trung bình người nhiễm bệnh ở Đức là 49 tuổi, so với 62,5 tuổi ở Pháp.
Thời điểm cuối tháng 3, Đức thực hiện từ 300 nghìn đến 500 nghìn xét nghiệm/tuần so với 35 nghìn đến 85 nghìn xét nghiệm/tuần tại Pháp, nơi chỉ có các trường hợp nặng hoặc điều trị trong bệnh viện được sàng lọc xét nghiệm.
Pháp là nước đầu tiên có người nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 tại châu Âu, nhưng phải mất vài tuần sau Pháp mới đưa ra biện pháp quyết đoán, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và dần tiến hành xét nghiệm quy mô lớn.
Ngoài ra, Đức được coi là nước có hệ thống y tế tốt nhất của châu Âu, cho phép nước này nhanh chóng đối phó với dịch bệnh. Trước khi xảy ra dịch bệnh, Đức có 25 nghìn giường chăm sóc đặc biệt, trong khi Pháp có 7.000 giường.
Đến nay, Pháp tiếp tục gia hạn các biện pháp phong tỏa đến ngày 11-5. Trong khi đó Đức có kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa, mở lại một phần nền kinh tế vào tuần tới.