Vì sao U23 Việt Nam không cần giao hữu quốc tế trước giải châu Á?

2 năm trước, U23 Việt Nam chơi 4 trận giao hữu quốc tế trước thềm giải châu Á. Năm nay, đội tuyển không có trận đấu lớn nào trước U23 châu Á 2020.

Trước thềm U23 châu Á 2018, HLV Park Hang-seo và đội tuyển đã trải qua 4 trận giao hữu quốc tế với hàng loạt đối thủ đáng gờm. U23 Việt Nam lần lượt gặp U23 Myanmar, Uzbekistan và Thái Lan tại M-150 Cup trước khi về nước đá giao hữu với CLB Ulsan Hyundai của Hàn Quốc ở Hàng Đẫy.

U23 Việt Nam vừa dự SEA Games nên không cần thêm quá nhiều trận đấu cọ xát căng thẳng. Ảnh: Thuận Thắng.

U23 Việt Nam vừa dự SEA Games nên không cần thêm quá nhiều trận đấu cọ xát căng thẳng. Ảnh: Thuận Thắng.

Cả 4 trận đều diễn ra trước những đối thủ quốc tế mạnh, tổ chức công khai dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người tới sân và hàng triệu khán giả truyền hình. Đó là quá trình chuẩn bị mẫu mực, tạo điều kiện cho kỳ tích ở Thường Châu.

2 năm sau, ông Park và đội tuyển đang có những sự chuẩn bị có phần trái ngược. U23 Việt Nam không chơi một trận giao hữu quốc tế nào. Cả bốn trận đấu đều diễn ra theo hình thức đá tập, đều thi đấu kín, không có sự quan sát của truyền thông và người hâm mộ. Đẳng cấp của các đối thủ cũng khác nhiều hồi năm 2018.

Đội Đại học Yeungnam vốn chỉ là tuyển sinh viên. CLB Busan Transportation Corporation thi đấu tại giải hạng Ba Hàn Quốc, còn TP.HCM là một CLB Việt Nam. Đối thủ đáng kể nhất là U23 Bahrain trong một trận đấu kín khác hôm 3/1/2020 ở Thái Lan.

Công Phượng (giữa) trong trận giao hữu của U23 Việt Nam với Ulsan Hyundai trước giải U23 châu Á 2018. Ảnh: Minh Chiến.

Công Phượng (giữa) trong trận giao hữu của U23 Việt Nam với Ulsan Hyundai trước giải U23 châu Á 2018. Ảnh: Minh Chiến.

Có ba nguyên nhân dẫn tới những thay đổi này. Thứ nhất, khác với giải đấu 2 năm trước, U23 Việt Nam giờ là đương kim á quân và đang nuôi tham vọng tiến xa. Ông Park vì thế muốn hạn chế giao hữu quốc tế, đặc biệt là trước các đội U23 cùng giải. U23 Việt Nam cần giữ kín thông tin, hạn chế “lộ bài” trước các đối thủ tiềm năng trong tương lai.

Thứ hai, Quang Hải và đồng đội vừa trải qua một kỳ SEA Games căng thẳng với 7 trận đấu cùng các đối thủ có phong cách khác nhau, trong đó có những đội mạnh như Thái Lan, Indonesia. Bối cảnh ấy khác hẳn 2 năm trước, thời điểm U23 Việt Nam mới hội quân dưới tay thầy Park, không có giải đấu nào trước đó và cần thi đấu nhiều hơn để ráp đội hình.

Cuối năm 2017, ông Park thậm chí chưa thể định hình sơ đồ 3-4-3 ở U23 Việt Nam. Phần lớn đội hình là những học trò lần đầu tiên ông làm việc cùng. Còn hiện tại, U23 Việt Nam đã là một tập thể gắn kết, ăn ý, cùng trải qua nhiều sóng gió. Mục đích giao hữu của năm 2018 là xây dựng một hệ thống mới còn mục đích đá tập trước giải 2020 chỉ là ổn định lực lượng, tập dượt lại chiến thuật.

Hôm nay (28/12), U23 Việt Nam sẽ có trận đấu kín với CLB CLB Bình Dương trước khi lên đường sang Thái Lan. Đội tuyển sẽ có gần chục ngày trên đất Thái để chuẩn bị cho trận mở màn với U23 UAE hôm 10/1.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-u23-viet-nam-khong-can-giao-huu-quoc-te-truoc-giai-chau-a-post1030152.html