Vì sao UBND xã không hỗ trợ vườn cây ăn trái của dân bị ảnh hưởng khi làm đê bao?
Một hộ dân huyện Tân Thạnh thuộc vùng sâu Đồng Tháp Mười phản ánh vườn cây ăn trái của gia đình bị ngập nước do làm đê bao chống lũ và UBND xã từ chối hỗ trợ. Nhưng thực tế cho thấy, đây là công trình phục vụ dân sinh, nên cuối cùng hộ này đã chấp nhận, không yêu cầu bồi thường.
Tìm hiểu thực tế vấn đề, chúng tôi đã gặp một số người dân các ấp 5, 6, xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh) để nắm rõ hơn diện tích vườn cây khu vực này bị ngập do nước lũ. Trường hợp của ông Cao Văn Hồng (SN 1966) có khu đất khoảng 6.000m2 trồng cây dọc con kênh bị ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn 2 tháng gần đây. Theo lời con trai ông Hồng là Cao Văn Pha thì: "Liên quan đến việc làm đê bao chống lũ, tôi không nhận được lá thư mời nào, trong khi cây ăn trái gia đình đã trồng mấy năm nay, gây thiệt hại kinh tế. Cây chết, chính quyền không bồi thường hoặc hỗ trợ cho dân...".
Được biết tuyến đê bao đoạn dọc con kênh để phục vụ dân sinh và chống lũ bảo vệ khu dân cư, cây ăn trái cùng nhiều hoa màu khác. Nhưng khi tiến hành thực hiện, gia đình ông Hồng cho rằng chính quyền đã làm thiệt hại vườn cây của gia đình.
Trưa 30/11, ông Lê Thanh Triều - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết: "Trường hợp ông Pha đã giải quyết xong, ông này không yêu cầu hỗ trợ tiền như ban đầu đã phản ánh. Đối với việc gia cố đê bao trên cơ sở kiến nghị của cử tri hai ấp 5, 6, xã Tân Thành nạo vét kênh 600 mục đích để tưới tiêu, xả phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời kết hợp nâng cấp đê bao do khu vực này chưa có hệ thống đê bảo vệ vụ lúa Thu Đông với khoảng 193ha". Phó chủ tịch UBND xã giải thích, năm 2022 UBND huyện đầu tư thi công nạo vét kênh kết hợp nâng cấp đê đáp ứng yêu cầu chung của vùng đất thấp thường bị ngập lụt. Quá trình thi công có đoạn đê liền kề với đất ông Hồng, do mặt bằng không bảo đảm nên đơn vị tiến hành đổ đất lên cao. Sợ sạt lở khi thi công, chủ vườn không đồng ý, đề nghị UBND xã cùng chủ đầu tư hạ thấp mặt đê và được chính quyền thông qua. Gia đình ông Hồng tự thỏa thuận với đơn vị đầu tư hạ thấp mặt đê theo yêu cầu.
Tháng 10/2023, thời điểm lũ đạt đỉnh lại thêm mưa kéo dài khiến triều cường dâng cao, đoạn đê dài 430 mét bị nước tràn qua xâm lấn diện tích lúa, cây ăn trái của một số hộ dân. UBND xã Tân Thành trực tiếp khảo sát để gia cố bờ bao. Lúc này, ông Hồng cùng con trai là Cao Văn Pha có lời lẽ xúc phạm đến cán bộ xã, không cho đổ đất lên đê; sau đó còn yêu cầu UBND phải làm đập tạm 2 đầu kênh để giảm áp lực nước bảo vệ đê liền kề có phần đất của ông. Trước nguy cơ ô đê bao 51ha đã gieo sạ lúa, trong đó có vườn mít nhà ông Hồng, bị thiệt hại, ngày 17/10 UBND xã xuất kinh phí mua cừ tràm, thuê Kobe làm 2 đập tạm trên kênh 600. Chính nhờ sự nhanh nhạy của chính quyền địa phương, nước lũ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng đất này; trong đó vườn của ông Hồng nước chỉ tràn vào mương phục vụ tưới tiêu.
Ngày 14/11, chính quyền xã Tân Thành mời cha con ông Hồng đến UBND xã để trao đổi việc thi công tuyến đê bảo vệ lúa và cây ăn trái. Khi nghe giải thích, ông Hồng đã hiểu, thống nhất không yêu cầu hỗ trợ tiền như phản ánh trước đó. "Mùa lũ ở vùng này thường bị ngập sâu, chúng tôi phải gia cố các điểm là để giúp dân ổn định cuộc sống", Phó chủ tịch UBND xã cho biết.
Do yêu cầu phục vụ dân sinh trong mùa nước lũ của UBND xã đồng thời gia đình ông Hồng chấp nhận việc làm trên là phù hợp, vì vậy cuối cùng gia đình đã đồng ý không nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền.