Vì sao Úc điều chỉnh mối quan hệ năng lượng với Nhật Bản và Hàn Quốc?
Úc sẽ khó đạt được vai trò dẫn dắt về khí hậu trong khu vực, nếu chưa thúc đẩy đối thoại cởi mở hơn với các đối tác lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Úc sẽ khó đạt được vai trò dẫn dắt về khí hậu trong khu vực, nếu chưa thúc đẩy đối thoại cởi mở hơn với các đối tác lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề LNG. Ảnh AFP
Phía sau hậu trường, Úc đang tích cực vận động để giành quyền đăng cai Hội nghị khí hậu thường niên của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) vào năm 2026. Dù thỏa thuận chính thức chưa được ký, các bên liên quan đã bắt đầu chuẩn bị cho hội nghị COP31 tại khu vực Úc - Thái Bình Dương. Trong đó, việc chấm dứt mở rộng các dự án nhiên liệu hóa thạch được kỳ vọng sẽ là một trong những nội dung then chốt.
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, chính phủ trung tả của Thủ tướng Anthony Albanese tin rằng họ đang có đủ vị thế để thể hiện cam kết của Úc về khí hậu trên trường quốc tế. Phần lớn sự tự tin đó đến từ tốc độ triển khai nhanh các dự án năng lượng tái tạo - hiện hơn 40% điện năng trên lưới điện quốc gia của Úc đến từ năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.
Tuy nhiên, thành tích này đang bị che khuất bởi chính sách tiếp tục ủng hộ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, cùng mạng lưới ngoại giao đang góp phần bảo vệ lợi ích thương mại trong lĩnh vực này.
Hiện Úc là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới, với Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số những thị trường tiêu thụ chính.
Dù trước đây Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào LNG từ Úc, cả hai nước đều đã công khai cam kết chuyển sang năng lượng tái tạo và giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, nhu cầu khí đốt trong nước tại hai nước này đang giảm.
Tuy vậy, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục đổ vốn mạnh vào các khâu khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng khí đốt. Theo báo cáo mới của tổ chức Jubilee Úc, từ năm 2008 đến 2024, hai quốc gia này đã cung cấp hơn 20 tỷ USD tài chính công cho các dự án khí đốt tại Úc. Nguồn tài trợ này - chủ yếu thông qua các cơ quan tín dụng xuất khẩu - là yếu tố then chốt giúp nhiều dự án lớn ở Úc đảm bảo được tính khả thi về mặt kinh tế.
Trong bối cảnh các dự án khí đốt ngày càng bị phản đối vì phát thải lớn, nhiều tổ chức xã hội dân sự quốc tế đang kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc ngừng sử dụng tiền thuế của người dân để tài trợ cho việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch.
Trong các cuộc đàm phán thương mại và ngoại giao, giới tài chính Nhật Bản và Hàn Quốc thường đưa ra hai lý do để bảo vệ việc tiếp tục đầu tư vào khí đốt của Úc. Thứ nhất là để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước. Thứ hai là coi LNG là “nhiên liệu chuyển tiếp” - một bước trung gian giúp các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực dần rời bỏ than đá và chuyển sang năng lượng tái tạo. Cả hai lập luận trên đều thiếu sức thuyết phục.
Nhiều phân tích tài chính độc lập gần đây cho thấy Nhật Bản đang nhập khẩu khí đốt vượt nhu cầu trong nước. Phần dư được bán lại cho các nước khác trong khu vực, trong khi chuỗi cung ứng LNG tiếp tục mở rộng, nhằm duy trì lợi nhuận cho ngành công nghiệp khí. Ngoài ra, các công ty Nhật và tổ chức tài chính công cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng điện khí tại châu Á để tạo thêm nhu cầu tiêu thụ.
Hàn Quốc tuy giảm đầu tư vào các dự án khí tại Úc trong vài năm gần đây, nhưng các tập đoàn lớn vẫn rót vốn vào đóng tàu và vận chuyển LNG. Lợi nhuận của họ phụ thuộc vào việc Chính phủ Úc tiếp tục phê duyệt các dự án khai thác khí mới, dù có lượng phát thải cao, để phục vụ xuất khẩu.
Theo tổ chức Jubilee, ngành khí đốt hiện nay phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ ngoại giao phức tạp để bảo vệ lợi ích. Khi Chính phủ của Thủ tướng Albanese đưa ra các chính sách khí hậu có thể ảnh hưởng đến các dự án nhiên liệu hóa thạch, một số viện nghiên cứu và tổ chức công nghiệp có liên hệ với Chính phủ Nhật Bản đã có những tác động đáng kể tới truyền thông Úc. Những động thái này được cho là đã ảnh hưởng đến hướng đi của các cuộc tranh luận chính sách, thông qua việc nhấn mạnh hình ảnh Úc là đối tác năng lượng đáng tin cậy - từ các thông điệp nhẹ nhàng như lời kêu gọi “giữ ánh sáng cho Tokyo”, đến các cảnh báo mạnh mẽ hơn rằng việc cắt giảm xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể gây bất ổn toàn cầu.
Một số thành viên trong Chính phủ Úc được cho là ủng hộ sự tham gia của các bên liên quan quốc tế. Họ đã mời các hiệp hội khí đốt từ Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chính sách năng lượng. Một ví dụ là Chiến lược Khí tương lai được công bố vào năm ngoái, trong đó dự kiến khí đốt vẫn giữ vai trò nhất định đến sau năm 2050.
Trong khi đó, người dân Úc ngày càng lo ngại về an ninh năng lượng trong nước, cũng như các khoản trợ cấp lớn cho ngành nhiên liệu hóa thạch. Từ đây, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu Chính phủ Úc còn đủ quyền tự chủ để quyết định chính sách năng lượng của mình?
Với Hội nghị COP31 đang cận kề, Chính phủ ông Albanese không còn nhiều thời gian để trả lời.
Dù tên gọi nghe rất tích cực, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ trích AZEC là công cụ “tô xanh” cho tham vọng mở rộng nhiên liệu hóa thạch của Nhật Bản. Họ cho rằng diễn đàn này tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích trong ngành nhiên liệu hóa thạch quảng bá những công nghệ được cho là “giảm phát thải”. Các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), hay đồng đốt amoniac, thường được giới thiệu là giải pháp khí hậu, nhưng thực tế lại không đạt hiệu quả trong việc cắt giảm khí thải. Thậm chí, chúng còn bị lợi dụng để biện minh cho việc phát triển thêm các dự án khí đốt mới. Khoảng cách giữa cam kết và hành động của Nhật Bản cũng đã được nhiều chuyên gia chỉ ra trên tạp chí The Diplomat.
Là một thành viên của AZEC, Úc có trách nhiệm yêu cầu diễn đàn này phải minh bạch và có trách nhiệm hơn. Hiện Úc đang tham gia 12 dự án liên doanh trong khuôn khổ AZEC, nhưng chỉ có 3 dự án thực sự tập trung vào năng lượng tái tạo. Trong khi năng lượng tái tạo giờ đây đã rẻ, sạch hơn và ít bị ảnh hưởng bởi biến động địa chính trị, việc Úc tiếp tục ủng hộ những công nghệ “giảm phát thải” mang tính tượng trưng chỉ khiến nước này tụt lại phía sau. So sánh này có thể khó hình dung vài năm trước, nhưng hiện nay, khi Nhật và Úc vẫn mải mê tô xanh cho nhiên liệu hóa thạch, thì Trung Quốc đã tiến nhanh trên con đường trở thành siêu cường xuất khẩu năng lượng tái tạo trong khu vực.
Khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tăng tốc hành động, để tránh những thiệt hại không thể đảo ngược. Tại một hội nghị gần đây, ông phát biểu: “Thế giới đang tiến về phía trước với tốc độ tối đa”, và nhấn mạnh rằng “không nhóm lợi ích, hay Chính phủ nào có thể cản bước cuộc cách mạng năng lượng sạch”.
Quan hệ giữa Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản cần phản ánh tinh thần khẩn cấp đó. Việc Úc tham gia Sáng kiến Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Sạch (CETP) là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu việc ngừng tài trợ công cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Giờ đây, Chính phủ Albanese cần chủ động kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia sáng kiến này. Đồng thời, cần xây dựng các thỏa thuận song phương về giảm phát thải, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách bài bản, có kế hoạch.
Trước thềm hội nghị COP31, Úc cần thể hiện rõ lập trường: Không để các nhóm vận động vì nhiên liệu hóa thạch chi phối các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế.
Trên hết, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản cần hướng tới một mô hình ngoại giao vì tương lai - không thêm than đá, không thêm dầu khí.