Vì sao Ukraine khó sở hữu phi đội F-16 'đáng gờm' trong cuộc chiến với Nga?
Giới chuyên gia nhận định, Ukraine đang rất cần có thêm nhiều phi công được đào tạo để xây dựng hiệu quả một phi đội tiêm kích F-16 'đáng gờm' nhằm đối phó với quân đội Nga.
Chia sẻ với tờ Business Insider, các chuyên gia hàng không cho rằng những nút thắt về đào tạo giữa các đối tác quốc tế với Ukraine có nguy cơ khiến Kiev rơi vào cảnh sở hữu nhiều tiêm kích F-16 hơn số phi công được đào tạo để điều khiển máy bay. Và với số lượng phi công được đào tạo hạn chế, sẽ không có lựa chọn hay cơ hội để tìm ra người giỏi nhất.
Nhà phân tích Michael Bohnert tại RAND Corporation cho biết, việc đưa F-16 hoặc bất kỳ loại chiến đấu cơ mới nào vào sử dụng trong lực lượng không quân cũng "cần rất nhiều nỗ lực, thời gian đào tạo, và tiền bạc, nhưng lại thường không được chú ý. Nhiều người cho rằng ‘chỉ cần cung cấp cho họ máy bay, và mọi thứ sẽ ổn’ Nhưng không phải vậy”. Bởi theo ông Bohnert, máy bay mới chỉ là một phần trong số những thứ cần thiết để xây dựng một phi đội tiêm kích.
Thiếu tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Gordon 'Skip' Davis, cũng cho rằng đối với chương trình F-16 của Ukraine, "vấn đề lớn chính là số lượng phi công Ukraine được đào tạo".
Trên thực tế, việc đào tạo phi công Ukraine lái F-16 đang được liên minh gồm các nước Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Mỹ, và Romania thực hiện. Song quá trình này dường như không diễn ra suôn sẻ như mong đợi.
Theo đó, Na Uy, Bỉ và Hà Lan, Đan Mạch đã cam kết cung cấp hơn 85 chiếc F-16, nhưng Ukraine chỉ có thể triển khai số lượng máy bay phản lực tương ứng với số phi công được đào tạo. Dù tổng số phi công Ukraine được đào tạo, và những người vẫn đang trong quá trình đào tạo chưa được công bố chính thức, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy số lượng này không đáp ứng đủ nhu cầu của Không quân Ukraine.
Hồi tháng 6, tờ Politico đưa tin các đối tác phương Tây của Ukraine không có đủ số lượng cơ sở đào tạo cho phi công Ukraine. Cụ thể, 30 phi công Ukraine đã sẵn sàng đi đào tạo, nhưng chương trình của Mỹ lại không thể đáp ứng tất cả. Cũng theo Politico, 20 phi công Ukraine lái F-16 dự kiến sẽ hoàn thành khóa đào tạo vào cuối năm nay.
Thậm chí, một nhà lập pháp Ukraine từng cáo buộc Mỹ "cố tình trì hoãn", và dẫn tới tình huống "số lượng phi công được đào tạo là ít hơn số máy bay”.
Hay như vào tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết quốc gia này sẽ ngừng đào tạo phi công lái F-16 cho Ukraine sau năm nay, để tập trung xây dựng đội bay F-35. Điều này đặt ra câu hỏi về cơ hội đi đào tạo cho các phi công Ukraine.
Tới tháng 8, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận khi những chiếc F-16 đầu tiên được chuyển đến, Ukraine vẫn không có đủ phi công để điều khiển, và số lượng máy bay cũng vẫn chưa đủ.
Theo ông Bohnert, cách đảm bảo Ukraine có những phi công giỏi nhất lái F-16 là tăng số lượng được đào tạo, và không khoan nhượng với những người không hoàn thành khóa học.
Song các phi công Ukraine đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như họ chỉ được huấn luyện khoảng 9 tháng, trong khi hầu hết các đồng nghiệp phương Tây mất 3 năm để học lái F-16. Việc điều khiển tiêm kích thế hệ thứ 4 F-16 cũng rất khác so với các máy bay phản lực do Liên Xô cũ thiết kế mà Kiev đã quen sử dụng.
Thách thức đi kèm
Các chuyên gia về chiến tranh trên không dự đoán, F-16 sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn cho Ukraine, nhưng chúng có thể sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Ukraine đang nhận được số lượng F-16 ít hơn so với những gì giới lãnh đạo và các đối tác của Kiev cho biết là cần thiết để thách thức Không quân Nga, lực lượng vừa sở hữu số lượng máy bay lớn hơn và năng lực cũng mạnh hơn.
Theo ông Bohnert, số lượng F-16 mà Ukraine nhận được từ các đối tác "chắc chắn là không đủ". Bởi hồi tháng 5, Tổng thống Zelensky cho biết Không quân Ukraine cần khoảng 120-130 chiến đấu cơ tiên tiến để thách thức năng lực trên không của Nga.
Các chuyên gia nhận định, những thách thức mà các lực lượng vũ trang của Ukraine phải đối mặt đã trở nên trầm trọng hơn, do sự chậm trễ từ khâu cung cấp máy bay, và đào tạo phi công. Cụ thể, Ukraine đã yêu cầu được tài trợ máy bay phản lực, ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, song Mỹ từ lâu đã từ chối. Trong thời gian Ukraine chờ đợi các đồng minh thay đổi ý kiến, Nga đã có thêm thời gian để chuẩn bị.
Ngoài ra, các máy bay F-16 mà Ukraine đang tiếp nhận cũng là mẫu cũ hơn, mà không phải là bản nâng cấp mới nhất, nên chúng không thể so sánh với một số máy bay phản lực tốt nhất của Nga như Su-35 hay Su-57. Thậm chí, các F-16 Ukraine còn dễ bị tổn thương khi đối mặt với các hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại của Moscow.