Vì sao vẫn chưa thi hành dứt điểm bản án đã có hiệu lực gần 15 năm?
Tài sản thi hành án là căn nhà tường đã xuống cấp trầm trọng, đương sự hai bên đều tỏ ra bức xúc, còn cơ quan thi hành án dân sự (THADS) lại đau đầu tìm hướng giải quyết! Vậy thì nguyên do từ đâu?
Kỳ 1: Tòa tuyên rõ, vẫn khó thi hành?
Nguy hiểm - căn nhà có thể bị sập
Căn nhà số 43 (1 trệt, 1 gác lửng), tọa lạc Tổ 2, ấp Nội Ô, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú) có một vị trí khá đẹp, nằm ngay giữa ngã ba khu vực chợ, rất thuận tiện cho việc kinh doanh, mua bán. Đáng tiếc, căn nhà đã nhiều năm không người ở và hiện vách tường, cột, đà đã bong tróc; cốt thép đã mục, nứt nhiều chỗ; các cánh cửa bằng gỗ hầu như mục nát. Tệ hơn, chỉ cần một trận mưa lớn hoặc một cơn gió mạnh có thể sập đổ bất cứ lúc nào, nhưng căn nhà nằm ở khu vực chợ có nhiều nhà liên kế, giáp lối đi, đông người qua lại… Đó chính là lý do khiến căn nhà trên trở thành trung tâm của sự bàn tán lúc “trà dư tửu hậu”.
Căn nhà nằm ở giữa ngã ba khu chợ là tài sản thi hành án, đã xuống cấp. Ảnh: V.Đ
Theo một người dân ở khu vực này, vào khoảng năm 1990, chủ nhân trước đây đã bán căn nhà cho một người đàn ông ở xứ khác mới về. Sau đó, xảy ra kiện tụng và chẳng hiểu sao, căn nhà lại bị bỏ hoang; chỉ thấy cán bộ các cơ quan cứ thường đến xác minh… Nhưng vấn đề mà người dân lo lắng nhất là sự xuống cấp của căn nhà. Anh Trần Minh Dương cho biết: “Tôi năm nay 42 tuổi và sống từ nhỏ ở đây (cách căn nhà số 43 vài căn). Tôi biết căn nhà này không có người ở khoảng 20 năm và nghe nói đang tranh chấp. Mỗi lần đi ngang, thấy căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào mà thấy sợ. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết, đừng để ảnh hưởng đến người dân”.
Nỗi lòng của người dân cũng chính là điều mà chính quyền địa phương mong muốn, ông Lê Hoàng Kiếm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú) cho biết: “Vụ việc tranh chấp về căn nhà số 43 giữa ông Lê Văn Điệp và bà Châu Hồng Hoa đã được tòa án giải quyết từ những năm 2005. Từ đó đến nay, cơ quan THADS đã nhiều lần phối hợp với địa phương để thẩm định, xác minh tài sản thi hành án của các bên nhưng giữa ông Điệp và bà Hoa không thống nhất hướng giải quyết. Căn nhà đã bị bỏ hoang nên bị xuống cấp trầm trọng. UBND thị trấn đã có thông báo cho người dân ở xung quanh cần thận trọng khi qua lại. Địa phương đề nghị cơ quan THADS sớm xử lý dứt điểm vụ việc trên và hai bên nên đi đến thống nhất. Từ đó, xác định lại chủ sở hữu và sửa chữa lại căn nhà để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh”.
Án tuyên bên giao tiền, bên trả nhà
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bản án số 18/DSST, ngày 13-8-2004 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã chấp nhận yêu cầu của ông Châu Văn Thành (anh bà Hoa), tuyên bố hợp đồng mua bán giữa bà Châu Hồng Hoa và ông Lê Văn Điệp vô hiệu hoàn toàn. Buộc ông Điệp có trách nhiệm giao trả căn nhà số 43 cho bà Hoa và các đồng sở hữu khác. Đồng thời, buộc bà Hoa có trách nhiệm giao trả 15 chỉ vàng 24K và bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá, tiền sửa chữa nhà là trên 296 triệu đồng cho ông Điệp.
Nội dung bản án sơ thẩm thể hiện, căn nhà số 43 là thuộc quyền sở hữu của cha, mẹ ông Thành mất để lại (không có di chúc) và cha mẹ ông có tổng cộng tới 8 người con (1 người đã chết lúc nhỏ). Vào ngày 1-7-1989, bà Hoa cùng 2 người anh, em là ông Châu Văn Năm, ông Châu Văn Sen đã cùng ký tên vào giấy bán nhà trên cho ông Điệp với giá 15 chỉ vàng 24K. Tuy nhiên, bà Hoa, ông Sen, ông Năm không phải là chủ sở hữu của căn nhà trên (mà thuộc 7 người con, cha mẹ chết để lại) nên tờ sang nhượng nhà ở với ông Điệp là trái pháp luật. Do đó, bà Hoa, ông Sen, ông Năm là người có lỗi; còn ông Điệp là người mua ngay tình, đã trả đủ số vàng và nhận nhà ở. Sau đó, ông Điệp đã nhiều lần tiến hành sửa chữa lại căn nhà và khi tiến hành làm thủ tục trước bạ, sang tên thì phía ông Thành ngăn cản. Xét về hợp đồng, ông Điệp cũng có lỗi là mua nhà mà không xem xét rõ.
Do bản án sơ thẩm bị kháng cáo, ngày 12-4-2005, Tòa án phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên: “Chấp nhận yêu cầu của ông Thành, tuyên bố hợp đồng mua bán nhà ngày 1-7-1989 giữa bà Hoa và ông Điệp vô hiệu hoàn toàn. Buộc bà Hoa có trách nhiệm hoàn trả cho ông Điệp số tiền 373.714.946 đồng; ông Điệp có trách nhiệm giao trả căn nhà số 43 cho các đồng thừa kế… Khi ông Điệp giao trả nhà phải đúng hiện trạng theo biên bản giám định ngày 20-5-2004 của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Sóc Trăng. Việc giao trả nhà và tiền giữa hai bên thực hiện trong cùng một thời điểm. Kể từ khi bên được lấy tiền có đơn yêu cầu thi hành án, bên giao tiền còn phải chịu lãi suất loại nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trên số tiền còn lại chưa chịu thi hành”.
Như vậy, vụ việc tranh chấp hợp đồng liên quan đến căn nhà số 43 trên đã được tòa cấp phúc thẩm tuyên cụ thể nhưng sao vẫn khó thi hành? Từ đó, dẫn đến vụ án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc cho hai bên.
V.Đ
(Còn tiếp)