Vì sao vẫn tiếp tục xuất hiện các 'ổ dịch sốt xuất huyết'?

Trong tuần qua, Hà Nội phát sinh 58 ổ dịch sốt xuất huyết mới, ghi nhận 1.312 ca mắc, tăng 8,9% so với tuần trước. Hà Nội đang chuẩn bị bước vào đỉnh dịch sốt xuất huyết với số người mắc tăng cao, bệnh nhân nặng phải nhập viện tăng.

Cả thành phố còn 143 ổ dịch tại 24 quận, huyện, có ổ lên tới 200 người mắc như ổ ở Thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất. Tuy nhiên, báo động là nhiều người dân vẫn thờ ơ với bệnh và chưa hiểu hết về đường lây truyền của sốt xuất huyết để phòng tránh.

Nhiều người dân chưa hiểu về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sáng 8/11, có mặt ở quận Hoàng Mai, nơi phát sinh 16 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi vệ sinh môi trường còn rất kém. Trên đường Lĩnh Nam, nơi gần chợ tạm, nước thải ứ đọng bốc mùi, rác thải còn vứt bên vệ đường; có nơi ki ốt phế thải đan xen với nhà dân.

CDC Hà Nội kiểm tra bể chứa nước của người dân ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

CDC Hà Nội kiểm tra bể chứa nước của người dân ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Tại đường mới khu công nghiệp Vĩnh Hưng có nhiều bãi vật liệu xây dựng, thu gom phế thải, vỏ thùng, bình chứa nước… Ở phường Lĩnh Nam, nhiều gia đình có đất nông nghiệp bỏ hoang, xây nhà trọ cho thuê, bãi đất trống để cây cảnh, hòn non bộ ngổn ngang, đất thủy sinh ngập nước, chỉ một trận mưa hoặc không thả cá, sau một thời gian là có bọ gậy.

Đến một khu trọ ở phường Vĩnh Hưng, chúng tôi gặp cảnh những gian phòng nhỏ nằm sát nhau, nhiều dụng cụ chứa nước để ở lối đi chung. Một bạn sinh viên thuê trọ ở đây cho biết: “Em không chú ý nhiều lắm nên không rõ về bệnh sốt xuất huyết”.

Cạnh khu nhà trọ này là một mảnh đất cỏ dại um tùm và một công trình xây dựng đang chuẩn bị thi công. “Không có ai bị sốt xuất huyết, nhưng chúng tôi cũng lo ngại nên đi ngủ đều mắc màn”, một nam công nhân cho hay. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại công trình có nhiều dụng cụ chứa nước vứt ngổn ngang, đây là điều kiện để muỗi gây bệnh đẻ trứng thành loăng quăng/bọ gậy.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Việt Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng cho biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, phường ghi nhận 39 ca mắc sốt xuất huyết, 7 ổ dịch, ổ dịch cuối cùng vừa kết thúc vào ngày 5/11. Tuy nhiên, chiều 7/11, Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai thông báo, có 1 ca sốt xuất huyết (trú tại tổ 11) đang điều trị tại Bệnh viện Dệt may. Ca bệnh này sốt từ 29/10, đến 4/11 bệnh diễn biến nặng phải nhập viện. “Chúng tôi đã xuống gia đình ghi nhận ca bệnh lâm sàng, giám sát người nhà và các hộ xung quanh chưa ai mắc, cũng không ghi nhận có ổ bọ gậy”, ông Phương cho biết.

Theo Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng, từ đầu tháng 11 đến nay, địa phương ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết. “Hiện đang có 1 ca ở tổ 23, bệnh nhân là nam, SN 1990, sốt từ 31/10. Chiều 2/11, tiểu cầu của bệnh nhân giảm mạnh nên phải vào Bệnh viện 108 điều trị. Ca bệnh này sau khi sốt được 6 ngày, tới mùng 5/11, tổ trưởng dân phố mới báo lên y tế phường. “Gần nhà bệnh nhân là khu nhà trọ, 3 tuần trước có người mắc sốt xuất huyết đã khỏi, nên chúng tôi chưa xác định được nguồn lây từ đâu. Kiểm tra xung quanh không có ai sốt, không có ổ bọ gậy. Hiện con của bệnh nhân này đang sốt, chúng tôi đang theo dõi, nếu cháu bé mà mắc sốt xuất huyết thì đây trở thành ổ dịch thứ 8 của phường”, ông Phương nói.

Vĩnh Hưng là địa phương có dân số luôn biến động. Theo thống kê năm 2021, hơn 20% dân số là người tạm trú và thuê trọ, có bể nước nổi. Cả phường hiện có 41.121 dân với 1.045 hộ. Đây cũng là địa phương có nhiều công trình xây dựng, vườn xen kẽ trong khu dân cư, nhiều khu đất thủy sinh, tận dụng các khu đất hoang trữ phế liệu, vứt chậu hoa, chai lọ… và có 3 nghĩa trang, nên muỗi vào đẻ trứng, phát sinh nhiều ổ bọ gậy.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng cho hay, phường đã tổ chức 4 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng nên thời điểm này không còn ổ dịch. Đợt dịch sốt xuất huyết năm 2017, phường Vĩnh Hưng ghi nhận gần 900 ca mắc. “Quan trọng nhất là ý thức của người dân, diệt muỗi, bọ gậy ngay tại nơi mình ở thì nguy cơ mắc bệnh giảm rất nhiều”, bà Ngà nói.

Phát hiện sớm, xử lý dứt điểm

BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, không như mọi năm, dịch sốt xuất huyết năm nay lại tăng mạnh ở các huyện ngoại thành; các ổ dịch trong nội thành hiện cơ bản đã kiểm soát tốt. Cả 30 quận, huyện của Hà Nội đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua, những quận, huyện có số ca mắc cao là: Hà Đông (148), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101). Lãnh đạo CDC cho biết, nóng nhất hiện nay là ổ dịch sốt xuất huyết tại huyện Đan Phượng khi đã có 1.039 ca mắc, 37 ổ dịch, hiện còn 11 ổ hoạt động.

Hiện, thôn Phượng Trì, thị trấn Phùng của huyện này có 73 ca mắc; xã Tân Lập đã ghi nhận 325 ca với 7 ổ dịch sốt xuất huyết. Gia đình bà Nguyễn Thị An (xã Tân Lập) có 3 người mắc sốt xuất huyết, nhưng khi được hỏi bà vẫn tự tin cho biết “nhà mình không phải là nơi phát sinh bọ gậy, lúc nào cũng phun thuốc sạch sẽ”. Một gia đình khác ở xã này có 4 người mắc sốt xuất huyết, khi cán bộ y tế vào kiểm tra thì phát hiện có nhiều ổ bọ gậy tại nhà. Hiểu biết và quan tâm về bệnh sốt xuất huyết ít được người dân chú ý, nhiều người còn chủ quan không vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng nên ổ dịch ở xã Tân Lập đã lan rộng và tồn tại trong thời gian dài chưa dập được.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một số quận, huyện vẫn còn nhiều ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân tăng lên.

Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân có nhiều khu nhà trọ còn chưa vệ sinh môi trường sạch sẽ. Nhiều nơi vẫn còn có bể chứa nước nổi nhưng không đậy nắp. Khi hỏi về bệnh sốt xuất huyết, nhiều người thuê trọ gần như không biết, đặc biệt là các biện pháp phòng tránh bệnh. Rất nhiều người còn chủ quan trong công tác phòng, chống khi ở nhiều khu trọ còn có những dụng cụ trữ nước vứt ngổn ngang lâu ngày, tồn đọng, là nơi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vào đẻ trứng, sinh sôi, phát triển.

Hà Nội hiện còn nhiều ổ dịch tồn tại lâu, nhất là ổ dịch ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất kéo dài vài tháng. Để dịch không tiếp tục tăng mạnh, lây lan rộng trong cộng đồng, thiết nghĩ chính quyền và y tế địa phương phải tăng cường truyền thông mạnh mẽ tới từng tổ dân phố; tăng cường giám sát đến từng tổ dân phố kịp thời phát hiện ổ dịch sớm, vệ sinh môi trường dập dịch dứt điểm. Người dân cần nêu cao cảnh giác, khi sốt cao phải đi khám để phát hiện bệnh kịp thời, báo với chính quyền địa phương để có biện pháp giám sát.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/vi-sao-van-tiep-tuc-xuat-hien-cac-o-dich-sot-xuat-huyet--i673747/