Vì sao Văn Toàn chênh vênh ở đội tuyển quốc gia?
Nguyễn Văn Toàn đã có một mùa giải 2021 miễn chê tại HAGL. Nhưng cũng trong năm 2021, Văn Toàn tiếp tục thể hiện sự vô duyên trong màu áo ĐTQG Việt Nam.
Nghịch lý Nguyễn Văn Toàn
V.League 2021 chứng kiến một Văn Toàn bùng nổ. Sau 12 trận đấu, anh ghi 7 bàn thắng cho HAGL. Tính đến thời điểm V.League mùa này hạ màn một cách dang dở, Văn Toàn trở thành chân sút nội ghi nhiều bàn nhất. Anh cũng trở thành cầu thủ thứ 2 (sau Kiatisak) và là nội binh đầu tiên của HAGL có thể dẫn đầu danh sách Vua phá lưới. Thêm vào đó, với 39 bàn sau 7 mùa giải thi đấu cho HAGL, Văn Toàn đã vượt qua tượng đài Kiatisak Senamuang, người ghi 38 bàn sau 4 mùa ở đội bóng phố Núi trong quá khứ.
Phong độ ghi bàn của Văn Toàn trong 4 năm gần nhất cũng khá đều đặn. Trung bình mỗi mùa giải, Văn Toàn ghi 7 bàn thắng. Nhưng cũng trong 4 năm ấy, người ta không thấy anh ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam. Dưới thời HLV Park Hang Seo, Văn Toàn chưa ghi một bàn nào cho ĐTQG Việt Nam. Lần gần nhất anh nổ súng khi “ăn cơm tuyển” cũng là thời điểm ĐT Việt Nam còn được dẫn dắt bởi người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng.
Trong năm 2021, như đã nói, Văn Toàn đã chơi rất hay trong màu áo HAGL. Giới chuyên môn kỳ vọng rằng anh có thể giữ vững phong độ đó trên ĐTQG Việt Nam tại vòng loại thứ 2 và thứ 3 World Cup. Nhưng sau 7 trận đấu của ĐTQG trong năm 2021, những gì mà Văn Toàn làm được chỉ là một lần kiếm về quả phạt đền giúp Việt Nam thắng sát nút 2-1 trước Malaysia. Người đá penalty khi đó cũng là Quế Ngọc Hải, chứ không phải là Văn Toàn.
Văn Toàn vẫn “tịt ngòi” thời gian qua cùng ĐT Việt Nam.
Giữa Văn Toàn ở HAGL và Văn Toàn tại ĐT Việt Nam quả thực có một sự đối lập lớn. Kể từ lần trình làng ĐT Việt Nam năm 2016 đến nay, Văn Toàn đã chơi 34 trận và chỉ ghi 4 bàn thắng. Cần nói thêm, 4 bàn thắng đó đều dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, người tiền nhiệm của ông Park Hang Seo. Còn từ năm 2015 cho đến nay, khi Văn Toàn hiện diện ở V.League, cầu thủ này đã ghi 39 bàn cho HAGL, sau 153 trận ra sân ở đội bóng phố Núi.
Nguyên nhân đối lập
Những thông tin kể trên vừa cung cấp một dữ kiện quan trọng. Đó là vì sao Văn Toàn đã ghi 4 bàn thắng dưới thời HLV Hữu Thắng mà không một lần nổ súng khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam? Cụ thể hơn, theo dữ liệu có được, Văn Toàn đã ghi 4 bàn chỉ trong 14 trận chơi dưới thời Hữu Thắng.
Nhưng trong 20 trận đã qua khi ông Park nắm quyền, Văn Toàn lại “tịt ngòi”. Cách chơi của HLV Hữu Thắng và HLV Park Hang Seo có sự khác nhau. Nếu như ở thời Hữu Thắng, đội hình Việt Nam được xây dựng theo sơ đồ 4-4-2. Trong đó, nếu Văn Toàn vào sân, anh chính là một trong hai tiền đạo trên hàng công. Lối chơi của ĐT Việt Nam dưới thời Hữu Thắng cũng là kiểm soát, ưa chuộng tấn công và đẩy khối đội hình lên phần sân đối thủ.
Ngược lại, sơ đồ 3-4-3 hay 5-4-1 của ông Park Hang Seo lại kéo Văn Toàn sang làm tiền đạo biên. Chủ trương của ông Park cũng là lấy phòng ngự phản công làm trọng. Vô hình trung, Văn Toàn không có nhiều đất diễn để thể hiện mình như khi còn thi đấu dưới thời Hữu Thắng.
Ở một góc độ khác, vị thế trong đội hình thi đấu ở HAGL và ĐTQG trong 4 năm qua cũng ảnh hưởng khá nhiều đến Văn Toàn. Chân sút người Hải Dương ở HAGL là sự lựa chọn số 1 trên hàng công. Tính từ năm 2015 đến nay, tức là lần trình làng V.League trong sự nghiệp, Văn Toàn mới chỉ bỏ lỡ 9 trận, trong tổng số 162 trận của HAGL. Trong số 153 trận thi đấu cho HAGL, Văn Toàn đá chính tới 141 trận.
Nhưng ở đội tuyển Việt Nam thì rất khác. Văn Toàn thường xuyên phải đóng vai trò mà người ta gán cho anh: Siêu dự bị. Cụ thể, trong 12 trận đấu tại vòng loại thứ 2 và thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Văn Toàn được đá chính 6 trận. Trong khi đó, ở VCK Asian Cup 2019, Văn Toàn 4 lần vào sân đều từ băng ghế dự bị. Duy chỉ có Kings Cup 2019, một giải đấu giao hữu, Văn Toàn được đá chính cả 2 trận khi Việt Nam gặp Thái Lan và Curacao.
Từ vị thế khác biệt ở HAGL và ĐTQG, Văn Toàn cũng sẽ trải qua thái độ khác biệt với cách xử lý với trái bóng. Nếu như ở HAGL, anh có thể được toàn quyền quyết định trong cách chuyền hay dứt điểm thì ở ĐTQG, Văn Toàn trong vai trò một tiền đạo cánh sẽ đóng vai trò kiến thiết lối chơi nhiều hơn là ghi bàn. Nhất là khi vai trò đó thuộc về Tiến Linh, Quang Hải hay Văn Đức. Riêng ở mùa giải 2021, sự xuất hiện của Washington Brandao, chân kiến tạo hàng đầu sau 12 vòng đấu đã giúp cho Văn Toàn hưởng lợi rất nhiều. Bởi thay vì kiến tạo cho đồng đội, Văn Toàn thường được các đồng đội ở HAGL hay Brandao hỗ trợ rất nhiều để có thể tự mình ghi bàn trước.
Trong khi đó, cũng trong năm 2021, người ta thấy sự xuất hiện của Văn Toàn trên sân ở ĐTQG thường là ở cuối hiệp 2. Và những gì mà người ta chờ đợi ở anh là tốc độ, khả năng tạo đột biến để có thể phản công.
Đương nhiên, về lý thuyết, khi Văn Toàn dốc bóng đến phần sân đội bạn thì nhiệm vụ tiếp theo của anh là chuyền bóng cho một tiền đạo ở phía trong tiếp cận cầu môn. Hoặc ở một góc độ khác, Văn Toàn cũng có thể đem về những quả đá phạt đền cho Việt Nam, khi sự nhanh nhẹn và tinh quái của anh khiến cho đối phương dễ bị mắc lỗi. Tất nhiên, người đá phạt đền sau đó lại không phải là Văn Toàn. Khoảnh khắc anh mang về quả penalty nhưng Quế Ngọc Hải là người thực hiện ở trận đấu với Malaysia là một điển hình như vậy.
Minh Vương duyên hơn Văn Toàn thế nào?
Văn Toàn cũng cho thấy sự vô duyên đến kỳ lạ khi vào sân thi đấu. Tại vòng loại World Cup 2022, Văn Toàn đá chính 6 trong 8 trận, nhưng không ghi bàn nào và phải rời sân 5 lần. Ở trận đấu với UAE tại lượt cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Văn Toàn cũng bỏ lỡ một cơ hội đáng tiếc. Trong khi Văn Toàn cứ vô duyên với những cơ hội thì đồng đội của anh ở HAGL là Trần Minh Vương lại rất bén duyên trong mỗi lần vào sân thi đấu từ băng ghế dự bị.
Mỗi lần xuất hiện trên sân, Minh Vương lại khiến người ta ngỡ ngàng với những đột biến đến từ hiệu quả là bàn thắng. Một quả đá phạt tung lưới U23 Hàn Quốc tại ASIAD 2018, một đường chuyền cho Tiến Linh ghi bàn để rồi tự mình lập công trong trận đấu với UAE tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 là minh chứng tiêu biểu cho thấy rằng chính Minh Vương mới xứng đáng được gọi là siêu dự bị thay vì Văn Toàn. Tiếc rằng, Minh Vương lại không có duyên vì chấn thương. Cứ mỗi khi người ta kỳ vọng và tin tưởng ở Minh Vương nhất, tiền vệ này lại lỡ hẹn với cơ hội làm kép chính ở những giải quan trọng của ĐT Việt Nam.