Vì sao việc bẻ khớp ngón tay lại khiến chúng ta thấy 'đã' đến vậy?

Gia đình và bạn bè có thể đã nói với bạn rằng thói quen bẻ khớp ngón tay là không tốt. Nhưng việc này không thực sự gây hại như một số người vẫn nghĩ.

(Nguồn: Getty Images/National Geographic)

(Nguồn: Getty Images/National Geographic)

Việc bẻ khớp có thể gợi lên nhiều phản ứng, từ “rùng mình” cho đến cảm giác thỏa mãn thực sự. Mặc dù “mang tiếng xấu,” nhưng việc hiểu được cơ chế đằng sau hoạt động này có thể làm sáng tỏ lý do tại sao đó lại là một trải nghiệm thỏa mãn đến vậy.

Vì sao việc bẻ khớp lại “khoái” đến vậy?

Nói một cách đơn giản, tiếng kêu “răng rắc” phát ra từ khớp của bạn được giải thích như sau: Bên trong bao khớp, bạn có dịch bao hoạt dịch chứa các bong bóng khí, chủ yếu là carbon dioxide và nitơ.

Matthew Cavanaugh, bác sỹ nắn xương tại Lafayette, Louisiana (Mỹ) cho biết: Việc kéo căng bao khớp đến hết phạm vi chuyển động của nó tạo ra một khoảng trống gần giống như chân không. Sau khi bạn bẻ khớp, bong bóng khí đó tan nhanh bên trong bao khớp và phát ra âm thanh như bạn nghe thấy.

Nếu chỉ là bong bóng khí vỡ, vì sao bạn lại “khoái” đến vậy?

Rojeh Melikian, bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình cột sống tại Trung tâm Thể thao và Cột sống DISC ở California, cho biết thực tế việc này có thể mang lại cảm giác giải tỏa về mặt vật lý và tăng khả năng vận động của khớp tạm thời.

"Nó thực sự mang lại cảm giác dễ chịu" - ông nói. Có một lý thuyết phổ biến là chuyển động đột ngột có thể kích thích các đầu dây thần kinh xung quanh khớp, dẫn đến giảm đau và giải phóng endorphin, mặc dù điều này chưa được chứng minh.

Nhưng không chỉ về mặt sinh lý học, còn có một khía cạnh tâm lý nữa. Hành động bẻ khớp có thể trở thành một thói quen thường lệ, có thể kích hoạt hiệu ứng “placebo” (hiệu ứng giả dược).

Một số người cảm thấy phấn khích khi nghe thấy tiếng “răng rắc.” Cavanaugh cho biết: "Gần đây tôi đã phát hiện ra các video ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response - tạm dịch là “Phản ứng cực khoái độc lập”) trên TikTok".

"Có những người chỉ muốn nghe tiếng ‘răng rắc.’ Họ thậm chí không cảm thấy ‘thích’ về mặt vật lý."

Bẻ khớp có hại cho bạn không?

Bất chấp những gì bạn bè và gia đình có thể đã “hù dọa,” việc bẻ khớp thường xuyên dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

“Các nghiên cứu [có từ năm 1998] đã chỉ ra không có mối liên hệ đáng kể nào giữa việc bẻ khớp thường xuyên và tình trạng viêm xương khớp bàn tay" - Melikian nói.

"Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bẻ khớp thường xuyên có thể bị sưng tay nhiều hơn và giảm sức mạnh cầm nắm" - ông nói thêm.

Một nghiên cứu năm 2017 trên Hand Surgery & Rehabilitation đã kiểm tra 35 người bẻ khớp thường xuyên (ít nhất năm lần mỗi ngày) so với những người không bẻ khớp.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi những người bẻ khớp thường xuyên phát triển sụn đầu xương bàn tay dày hơn so với nhóm đối chứng, sức mạnh cầm nắm của họ không bị ảnh hưởng tiêu cực.

 (Nguồn: Havard Health)

(Nguồn: Havard Health)

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều “suôn sẻ” như vậy. Các khớp lớn hơn, chẳng hạn như cổ và cột sống, cần được “chăm nom” cẩn thận. Những vùng này rất phức tạp và dễ bị thương và chịu tác dụng phụ - chẳng hạn như đau đầu, ngứa ran ở chân tay và chóng mặt - nếu làm “sai cách.”

Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc nắn chỉnh cột sống cổ thậm chí gây tách động mạch hoặc rách thành động mạch bên trong, có thể dẫn đến đột quỵ.

Dùng lực quá mức hoặc sử dụng các kỹ thuật không phù hợp có khả năng gây tổn thương cho dây chằng, cơ hoặc dây thần kinh, vì cổ và cột sống là "những cấu trúc phức tạp phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng khác nhau mỗi ngày" - Melikian nói.

Các đốt sống của bạn cũng bao quanh tủy sống cực kỳ nhạy cảm, vì vậy nếu bạn định tự mình “bẻ” vùng này, Cavanaugh khuyên bạn nên dùng "lực đẩy tốc độ cao, biên độ thấp" - tức là một lực đẩy nhanh, nhẹ nhàng trong một khoảng cách ngắn.

"Vấn đề chính của việc tự bẻ khớp là mọi người có thể dùng lực không đúng hoặc đẩy khớp theo hướng sai" - Cavanaugh nói. "Miễn là bạn thực hiện chuyển động khớp bình thường, thì việc này khá an toàn".

Một ví dụ là vặn khớp đốt ngón tay. Ông nói rằng “Các ngón tay không [chuyển động] vặn, mà gập cong." "Khi bạn vặn các khớp ‘không nên vặn,’ bạn đang làm căng các dây chằng và điều này có thể gây chấn thương cho khớp đó dẫn đến tình trạng viêm."

Mặc dù phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bẻ khớp theo thói quen không gây bất kỳ tác động lớn nào về lâu dài, nhưng sự “kỳ thị” vẫn tồn tại.

Khi được hỏi "Bạn có phải là người hay bẻ khớp không?" - Melikian trả lời: "Tôi không. Tôi cần đôi tay của mình để làm việc."./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-viec-be-khop-ngon-tay-lai-khien-chung-ta-thay-da-den-vay-post995552.vnp