Vì sao Việt Nam chưa có nhiều sự kiện võ thuật chuyên nghiệp?
Trong 10 năm qua, võ thuật chuyên nghiệp đã bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam. Song song với việc đào tạo những nhà vô địch cấp độ châu lục và thế giới người Việt, võ thuật Việt Nam vẫn chưa thể diễn ra một cách đều đặn, định kỳ theo kỳ vọng của người hâm mộ.
Điểm sáng hiếm hoi
Ở thời điểm hiện tại, võ thuật chuyên nghiệp xoay quanh 5 môn: Boxing (quyền Anh), Kickboxing, Muay, Jujitsu (nhu thuật Brazil) và MMA (võ tổng hợp). Việt Nam đã chứng kiến những sự kiện chuyên nghiệp của 5 môn võ trên, nhưng trong số đó, chỉ 1 môn có thể diễn ra các sự kiện một cách định kỳ. Đó là MMA, với sự ra đời của Lion Championship.
Sau mùa giải đầu tiên vào năm 2022, Lion Championship đã tạo hiệu ứng mạnh trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở đó, giải đấu này đã tổ chức thành công 8 sự kiện trong năm 2023. Bước sang 2024, những người tổ chức giải đấu tiếp tục hướng đến 9 sự kiện, với tần suất 1 sự kiện mỗi tháng.
Đâu là lý do giúp Lion Championship có thể tổ chức sự kiện một cách thường xuyên, định kỳ, trong khi những môn võ khác, những giải đấu khác chưa thể làm được? Nguyên nhân sâu xa của việc này xuất phát từ những thủ tục cần có để một sự kiện được tổ chức. Đi sâu vào hoạt động thể thao chuyên nghiệp, ta mới thấy việc này không hề đơn giản.
Theo quy định hiện hành, để tổ chức một sự kiện võ thuật chuyên nghiệp, đơn vị tổ chức cần xin giấy phép từ Liên đoàn thể thao cấp tỉnh thành hoặc quốc gia. Trong trường hợp môn võ đó chưa có Liên đoàn thể thao, đơn vị cần có giấy phép từ Cục Thể dục Thể thao.
Trên cơ sở giấy phép được đơn vị quản lý môn võ đó cấp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp tỉnh/thành sẽ phê duyệt, đồng ý cấp phép tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ phức tạp hơn nếu sự kiện có sự góp mặt của võ sĩ nước ngoài. Đơn vị quản lý khi ấy sẽ phải có thư mời, cũng như văn bản đồng ý từ đối tác nước ngoài đính kèm trong hồ sơ cấp phép.
"Quá trình xin cấp phép một sự kiện có thể kéo dài 1-2 tháng. Chúng tôi cũng phải đáp ứng những yêu cầu như đảm bảo công tác an ninh, y tế. Sẽ ra sao nếu sự kiện có tình trạng chen lấn xô đẩy, hoặc khán giả ngất trên khán đài? Đó cũng là lý do các bạn thấy lực lượng an ninh, cũng như xe cấp cứu xuất hiện ở sự kiện", một nhà tổ chức chia sẻ.
Cần phải nói thêm, những quy định hiện hành của Việt Nam liên quan đến tổ chức sự kiện thể thao chuyên nghiệp không hề bất hợp lý. Trên thực tế, nhiều giải thể thao chuyên nghiệp như V.League (bóng đá), VBA (bóng rổ) vẫn diễn ra bình thường trong nhiều năm qua. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa khiến võ thuật chuyên nghiệp chưa thể tổ chức định kỳ?
Xét về mặt bản chất, cũng giống như bóng đá và bóng rổ, võ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa thể tạo ra dòng tiền trực tiếp từ hoạt động tài trợ, quảng cáo. Vì lý do đó, những sự kiện thường diễn ra nhờ một số ông bầu. Họ không phải lúc nào cũng có tài chính và nhân lực đủ để tổ chức định kỳ sự kiện, với kế hoạch được tính theo năm.
Tìm võ sĩ ở đâu?
Tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, võ sĩ thường được đào tạo từ các câu lạc bộ tư nhân. Người thành lập CLB có thể là doanh nhân, hoặc võ sĩ nghỉ thi đấu và chuyển sang công tác huấn luyện. Họ thu tiền từ các học viên tham gia phòng tập, rồi dùng một phần lợi nhuận để tái đầu tư vào những võ sĩ có khả năng thi đấu chuyên nghiệp.
Về phía võ sĩ nước ngoài, họ cũng phải gánh một phần chi phí cùng phòng tập trong thời gian đầu sự nghiệp. Conor McGregor từng làm công nhân tự do trước khi thành danh tại sân chơi MMA. Anh chấp nhận làm những công việc thấp kém nhất để trang trải cuộc sống, cũng như chi trả những khoản cần thiết để nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch UFC.
Tại Việt Nam, mô hình phòng tập tư nhân phát triển võ sĩ mới chỉ ở giai đoạn manh nha hình thành. Phần lớn võ sĩ Việt Nam tham gia các giải đấu võ thuật chuyên nghiệp là người trưởng thành từ sân chơi thể thao thành tích cao. Họ coi việc thi đấu võ thuật chuyên nghiệp thực tế là "đấu giao hữu" để cải thiện thu nhập khi trống lịch thi đấu.
Đãi ngộ dành cho võ sĩ đỉnh cao lấn sân sang võ thuật chuyên nghiệp cũng rất khác biệt. Điều đó phụ thuộc vào danh tiếng, cũng như bảng thành tích họ tạo dựng được. Một võ sĩ thuộc cấp tỉnh/thành có thể sẵn sàng nhận lời thi đấu với giá 5-7 triệu đồng mỗi trận. Nhưng với tuyển thủ quốc gia, họ cần con số cao hơn nhiều để đánh đổi.
Trong giai đoạn 2017-2018, Nguyễn Văn Đương từng tham dự một số sự kiện Boxing chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng vào thời điểm tập trung chuẩn bị cho SEA Games 2019, cũng như vòng loại Olympic, chế độ địa phương Bắc Ninh dành cho Đương tăng lên. Sau khi cân nhắc, anh quyết định dồn sức cho Boxing nghiệp dư, không đấu chuyên nghiệp nữa.
"Là vận động viên, chúng tôi không quan tâm lắm đến danh xưng võ sĩ chuyên nghiệp hay võ sĩ nghiệp dư. Suy cho cùng, VĐV cũng là người làm công ăn lương. Chúng tôi cần được đảm bảo một mức thu nhập tốt và ổn định. Nếu sân chơi thể thao thành tích cao đáp ứng được điều đó, việc bị gọi là 'võ sĩ nghiệp dư' cũng không có gì xấu hổ", một VĐV chia sẻ.