Vì sao Việt Nam có tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não thấp nhất thế giới?
Cả nước hiện có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô, tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.
Việt Nam có tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não thấp nhất thế giới, trong khi có hàng nghìn người bệnh đang trông chờ ghép tạng từng ngày, từng giờ. Triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia.
Tái sinh kỳ diệu nhờ điều phối ghép tạng
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về điều phối đa tạng từ bệnh nhân chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức chiều 8/4, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não.
Theo chia sẻ của PGS Hệ, ngày 31/3 vừa qua, Trung tâm nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí có nam bệnh nhân 36 tuổi bị tai nạn giao thông, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất hết phản xạ, đa chấn thương, chấn thương sọ não… Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu chữa cho bệnh nhân nhưng kỳ tích không đến. Khi được bác sĩ, tư vấn viên đề cập đến việc hiến mô, tạng sau khi bệnh nhân chết não, gia đình đã đồng ý. Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cử kíp chẩn đoán và xuống Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ và điều phối mô, tạng thành công. Ca phẫu thuật triển khai lấy tạng thực hiện xuyên đêm. Trung tâm điều phối một phần gan trái, 1 thận, tim để ghép cho 3 trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế - đây là lần đầu tiên cùng lúc ghép 3 tạng cho 3 người nhận là trẻ em; 1 phần gan phải, 1 thận được điều tới Bệnh viện Việt Đức; 2 giác mạc được điều phối tới Bệnh viện 108.
Chia sẻ về ca lấy - ghép đa tạng từ bệnh viện tuyến tỉnh trong tình huống khẩn cấp vừa qua, TS.BS Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, khi nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, bệnh viện mở ngay cuộc họp để xem xét bệnh nhân ghép phù hợp nhất. Ngay sau đó, 8 bác sĩ lên đường ra Quảng Ninh, tận dụng từng giây, từng phút để nhận tạng trong thời gian tối ưu nhất. “Quan trọng nhất là quả tim bởi tim được lấy trước, phải đảm bảo làm sao từ lúc lấy đến lúc ghép không quá 6h nên việc phối hợp từ lấy tạng, vận chuyển bằng đường hàng không phải nhanh nhất”, BS Hùng nói.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, đây là lần đầu tiên chẩn đoán chết não thành công dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia tại bệnh viện tỉnh chưa từng ghép tạng. Và đây cũng là lần đầu tiên chia gan thành công ở Việt Nam ghép cho 2 người: 1 trẻ em và 1 người lớn. Thành công này là động lực để các bác sĩ tiếp tục triển khai chẩn đoán hồi sức chết não tuyến tỉnh trên cả nước.
Còn nhiều bệnh viện chưa thành lập tổ tư vấn hiến tạng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ghép tạng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong 2 năm lại đây. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thiếu người hiến, hiện có 95% người hiến là người sống, trong khi đó các nước phát triển thì ngược lại, người hiến tạng chủ yếu từ nguồn cho chết não. “Mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000-10.000 ca tử vong vì tai nạn giao thông, nếu mỗi bệnh viện 1 tháng chỉ cần vận động được 1 ca chết não hiến tạng sẽ có hàng nghìn trường hợp được ghép tạng 1 năm”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết thêm, 2 năm trở lại lại đây, mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca, đưa tổng số ca ghép tạng/năm của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, người hiến tạng chết não còn rất thấp. Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia triển khai thí điểm xây dựng mô hình Tổ tư vấn hiến tạng tại 16 bệnh viện, kết quả sau 1 năm triển khai mạng lưới, có 33 trường hợp gia đình đồng ý hiến. Mạng lưới bệnh viện vận động hiến tạng trải dài trên cả nước nhưng đến nay chỉ có 22/68 bệnh viện có quyết định thành lập Tổ tư vấn. “Nếu 68 bệnh viện mà thuyết phục được thành lập Tổ tư vấn, 1 năm tăng thêm được 100 người chết não hiến mô tạng, chắc chắn sẽ giúp được rất nhiều người bệnh đang chờ ghép tạng”, PGS Hệ nói.
Về vấn đề này, theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trước hết, người vận động hiến tạng phải ý thức được việc vận động là cần thiết để cứu nhiều người khác. Nếu bác sĩ chưa ý thức được sự cần thiết thì dù giám đốc bệnh viện có đưa ra quy định, bác sĩ cũng không nhiệt tình. Vì vậy, trước tiên phải thay đổi nhận thức của người làm y tế, bởi đến giờ chưa có chế tài chi trả cho việc vận động hiến tạng, họ làm vì cái tâm, vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng. Tới đây cần phải có chế tài chi trả cho người vận động hiến tạng.
“Một trung tâm Điều phối ghép tạng, một bệnh viện không làm được, cần một mạng lưới từ dưới lên, cần tập huấn để mỗi nhân viên y tế là một tình nguyện viên tư vấn vận động hiến tạng. Để thay đổi nhận thức của người nhà bệnh nhân chính là người làm y tế, tất cả cùng triển khai sẽ có kết quả”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.