Vì sao Việt Nam không có cầu thủ nào là huyền thoại Đông Nam Á?
Tờ All Asian Football của Italy mới đây công bố đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất của Đông Nam Á mọi thời đại. Trấn giữ khung thành là thủ môn huyền thoại Malaysia Chow Chee Keong (sinh năm 1948), từng 5 lần được bầu chọn là thủ môn xuất sắc nhất châu Á giai đoạn 1966-1970 và là thủ môn xuất sắc nhất thế kỉ XX của AFC.
2 trung vệ trong hàng hậu vệ 4 người là cầu thủ gốc Anh nhập tịch Singapore Daniel Bennet 3 lần vô địch AFF Cup, cùng ngôi sao bóng đá Myanmar Win Nyunt Myo là cầu thủ Đông Nam Á hiếm hoi từng góp mặt ở Thế vận hội (Munich, Đức 1972). Cánh trái là Dusit, cầu thủ từng cùng tuyển Thái Lan 3 lần vô địch AFF Cup và có thời gian khoác áo HAGL. Hậu vệ phải cũng là một gương mặt Thái: Niweat (năm 2006 cũng từng chơi cho Tiền Giang).
5 lựa chọn của hàng tiền vệ gồm: Archmad Nawir (Indonesia) và Therdsak Chaiman (Thái Lan), Fandi Ahmad (Indonesia), Suk Bahadur (Myanmar) và Kiatisak với kỷ lục ghi 70 bàn thắng trong 131 lần khoác áo đội tuyển Thái Lan và hiện đang là HLV HAGL.
Vị trí tiền đạo duy nhất trong “dream team” ASEAN mọi thời đại là Paulino Alcantara. Ông sinh năm 1896 tại Philippines, năm 3 tuổi về quê cha Tây Ban Nha, mất năm 1964, từng ghi 177 bàn thắng cho Barcelona, có 2 lần trở về khoác áo đội tuyển Philippines vào năm 1917 sau đó chơi cho tuyển Tây Ban Nha và là HLV của La Roja vào năm 1951.
Không có bất cứ cái tên Việt Nam nào! Đây là điều rất đáng tiếc khi trong lịch sử chúng ta từng có những cái tên lừng lẫy không chỉ Đông Nam Á mà cả châu Á như “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, Vinh “sói”… Sau một chút trong Nam có Tam Lang, Hồ Thanh Cang…; ngoài Bắc là Trần Văn Khánh, Trọng Giáp, Thế Anh, Lê Thụy Hải… Rất đáng tiếc, hơn 20 năm đất nước chia cắt và chiến tranh khiến tên tuổi của những danh thủ giai đoạn này không có điều kiện vang xa. Thế hệ sau năm 1975 mà tiêu biểu là Cao Cường thì Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Mở cửa, hội nhập xuất hiện lứa “cầu thủ vàng” Huỳnh Đức, Hồng Sơn… lại chỉ đều có “bạc”. Phải bước sang thế kỷ XX, bóng đá Việt Nam mới có chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên với thế hệ Minh Phương, Dương Hồng Sơn, Công Vinh, Như Thành…, nhưng đó cũng là duy nhất. 10 năm sau nữa mới thật là lứa “cầu thủ vàng” khi làm nên kỳ tích á quân U.23 châu Á, vô địch AFF Cup lần thứ 2, vào bán kết Asiad, tứ kết Cúp châu Á và HCV SEA Games “60 năm cuộc đời”. Tuy nhiên những Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh, Đình Trọng, Văn Hậu… ở giai đoạn chỉ mới bắt đầu. Để trở thành huyền thoại của mọi thời đại, họ phải khẳng định và giữ được tài năng, tên tuổi trên trường quốc tế trong cả sự nghiệp cầu thủ.