Vì sao Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất chip của thế giới?
Các nhà sản xuất chip tại Trung Quốc đang bắt đầu có động thái chuyển sang Việt Nam do chi phí nhân công tại nước này tăng.
Dẫn lời một số chuyên gia, Hãng tin CNBC cho biết việc Mỹ đưa ra các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc không có khả năng làm gián đoạn nguồn cung chip vì các công ty đã tính toán dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam và Ấn Độ.
Hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ yêu cầu các công ty phải có giấy phép mới được xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Thậm chí, những công ty sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chip xuất qua Trung Quốc cũng phải được sự chấp thuận của Mỹ.
Các hạn chế này đã gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp chip có trị giá 600 tỉ USD. Tuy nhiên, điều này không quá đáng lo vì nhiều năm gần đây, các nhà sản xuất chip có nhà máy tại Trung Quốc đã tìm cách dịch chuyển sang nước khác. Lý do là chi phí nhân công Trung Quốc tăng cũng như gián đoạn chuỗi cung vì dịch bệnh.
Ông Jan Nicholas, Giám đốc điều hành mảng chip Deloitte cho biết, các công ty này mong muốn chuyển đến một nơi gần Trung Quốc để sản xuất với lợi nhuận đạt hiệu quả cao. Khu vực Đông Nam Á là một lựa chọn lý tưởng cho vấn đề này.
Việt Nam đã nổi lên là một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc cho các nhà sản xuất chip toàn cầu. Việt Nam đã đầu tư hàng tỉ USD để thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn đến đây.
"Đơn cử như Samsung, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã cam kết đầu tư thêm 3,3 tỉ USD vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm nay. Tập đoàn Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu sản xuất linh kiện chip vào tháng 7-2023" - ông Jan Nicholas nói.