Vì sao Việt Nam vào top 10 điểm đến được yêu thích nhất năm 2020?
Việt Nam đứng thứ 9 trong Top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới do tạp chí du lịch danh tiếng Condé Nast Traveler (CN Traveler) tổng hợp từ các cuộc khảo sát hơn 715.000 độc giả trên khắp thế giới.
Tạp chí du lịch uy tín Condé Nast Traveler mới đây đã công bố giải thưởng Readers’ Choice Awards năm 2020 do độc giả bình chọn, trong đó Việt Nam đứng thứ 9 trong top 20 quốc gia là điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2020.
Tạp chí du lịch nổi tiếng này đã tổ chức hệ thống giải thưởng Readers' Choice Awards 33 năm qua với các hạng mục quốc gia, thành phố, đảo, bãi biển, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du thuyền, hãng hàng không...
Theo Condé Nast Traveler, Giải thưởng năm 2020 đặc biệt bởi những chuyên gia, độc giả của tạp chí - hầu như đều không ai đi du lịch nước ngoài, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Những cái tên mà họ đưa ra dựa trên tiêu chí đem lại sự thoải mái, kết nối thông tin giúp người đọc vượt qua những ngày "khủng hoảng" vì không được đi du lịch.
Condé Nast Traveler đánh giá Việt Nam có rất nhiều nơi cho du khách khám phá, từ các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, cho tới Hội An với ẩm thực đường phố, phong cảnh thiên nhiên hay những đền, chùa linh thiêng. Đất nước với bờ biển trải dài hơn 3.260 km ẩn chứa từ rất nhiều bãi biển, hòn đảo đẹp cho tới đồi núi, ruộng bậc thang hùng vĩ, lăng tẩm cổ kính…
Đứng đầu top 20 quốc gia du lịch được yêu thích nhất năm 2020 là Ý. Ngoài ra, danh sách có 4 điểm đến thuộc khu vực Đông Nam Á là Indonesia (thứ 6), Thái Lan (thứ 7), Việt Nam (thứ 9) và Malaysia (thứ 15).
Xếp thứ 2 trong ASEAN về cam kết giảm bất bình đẳng
Theo Báo cáo của Oxfam và Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế, Việt Nam đạt kết quả nổi bật, xếp thứ 2 ASEAN và thứ 77/158 quốc gia về Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng năm 2020. Chỉ số này đo lường đa chiều việc thực thi chính sách giảm bất bình đẳng của các nước trên thế giới về dịch vụ công, thuế lũy tiến, các quyền lao động. Việt Nam đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng, nhưng xu hướng bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa quá trình phát triển trong nhiều thập kỷ tới.