Vì sao vùng Ngoại Kavkaz biến động lớn?

Azerbaijan đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh - một vùng lãnh thổ ly khai do người dân tộc Armenia kiểm soát, trong đợt leo thang mới nhất của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Những diễn biến ở Karabakh có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở Ngoại Kavkaz, nơi Azerbaijan làm nhà sản xuất năng lượng lớn. Khu vực này có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt, dù không có đường ống nào gần Karabakh.

Sau đây là mô tả ngắn gọn về cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực:

Điện hạt nhân

Armenia là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Metsamor, vốn đang hoạt động trong tình trạng bấp bênh do nguy cơ động đất.

Dầu

Tuyến đường xuất khẩu dầu chính của Azerbaijan là đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC), vận chuyển đến 80% lượng dầu xuất khẩu của đất nước; chạy qua Georgia và đến bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống có công suất 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% nguồn cung dầu toàn cầu.

Tổng lượng dầu xuất khẩu của Azerbaijan trong thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2023 là 23,1 triệu tấn (800.000 thùng/ngày); trong đó, 76,3% sản lượng trên chảy qua BTC. Sản lượng dầu của nước này đứng ở mức 498.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Azerbaijan cũng xuất khẩu dầu qua Nga thông qua đường ống Baku-Novorossiisk và qua Georgia bằng đường sắt, cũng như đường ống từ thủ đô Baku của mình đến làng Supsa ở Georgia.

Khí đốt tự nhiên

Azerbaijan có kế hoạch nâng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu.

Sản lượng khí đốt từ các mỏ Azeri-Chirag-Guneshli (ACG) đạt tổng cộng 13,4 tỷ m3 vào năm 2022. Còn sản lượng từ dự án khí đốt Shah Deniz là 25,2 tỷ m3.

Azerbaijan đã xuất khẩu 6,6 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong giai đoạn tháng 1 - tháng 7/2023.

Những công ty nước ngoài hoạt động tại Azerbaijan

- BP: Gã khổng lồ năng lượng của Anh đang vận hành các dự án ACG và Shah Deniz với tư cách là thành viên liên doanh năng lượng, cũng như đường ống BTC.

BP cũng có tài sản ở Ngoại Kavkaz và đường ống dẫn Western Route Export Pipelines, với lực lượng lao động rơi vào khoảng 2.400 người.

- Equinor: Công ty Na Uy nắm 7,3% cổ phần trong ACG và 8,7% cổ phần trong dự án BTC.

Doanh nghiệp này cũng nắm cổ phần trong dự án Karabagh và Ashrafi-Dan-Ulduzu-Aypara ở phía đông Baku, cùng với công ty năng lượng SOCAR của nhà nước Azerbaijan.

- Exxon Mobil: Tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, với 7% cổ phần trong ACG và 2,5% trong đường ống BTC.

- TotalEnergies: Công ty Pháp này sở hữu 50% cổ phần trong mỏ Absheron ở Biển Caspian và 5% cổ phần trong đường ống BTC.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-sao-vung-ngoai-kavkaz-bien-dong-lon-695120.html