Vì sao whitmore bị hiểu nhầm là vi khuẩn 'ăn thịt người'?
Những ngày qua, tại một số bệnh viện thuộc các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên phát hiện một số bệnh nhân nhập viện vì nhiễm vi khuẩn whitmore. Nguy hiểm hơn, việc bị áp đặt là 'vi khuẩn ăn thịt người' đã khiến cho whitmore đã trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của không ít người dân.
Whitmore không phải là "vi khuẩn ăn thịt người"
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh cho rằng, "vi khuẩn ăn thịt người" trong ý khoa có bàn đến nhưng không phải là về căn bệnh whitmore mà nhiều người đang lo lắng hiện nay.
Cũng theo bác sĩ Khanh, bệnh whitmore do vi khuẩn Burkholderia có trong đất và nước không sạch, xâm nhập vào cơ thể qua vùng da trầy xước. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử vùng da tại một số bộ phận cơ thể nên bị hiểu nhầm là "ăn thịt người".
Đồng quan điểm này, PGS Bùi Vũ Huy – Giảng viên cao cấp bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội – Cố vấn khoa nhi, BV Nhiệt đới Trung ương cho hay, cách gọi whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" hoàn toàn sai bản chất của căn bệnh này.
Những người nhiễm vi khuẩn whitmore thường bị nặng mới gây hoại tử còn bản thân vi khuẩn này không có khả năng ăn các tế bào nên không thể gọi là "ăn thịt người". Cách gọi whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" sẽ gây hoang mang cho người dân.
Bệnh không lây từ người sang người
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, whitmore là căn bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Đặc biệt, bệnh này không lây truyền từ người sang người như một số thông tin hiện nay.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, vi khuẩn whitmore khi xâm nhập vào cơ thể có thể ủ bệnh kéo dài từ 2 – 21 ngày. Nguy hiểm nhất của căn bệnh này đó là khi khởi phát sẽ tiến triển rất nhanh, thậm chí có thể tử vong sau 48 giờ nhập viện.
Bản chất của vi khuẩn whitmore không gây ra dịch mà chỉ gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dễ dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng rất nặng như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn" vi khuẩn luôn có trong bùn đất nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh.
Chưa có vắc xin phòng bệnh
Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11.
Đối tượng mà whitmore hướng đến chủ yếu vẫn là những người lao động có tiếp xúc với bùn đất. Chính vì vậy, khi có vết thương ngoài da cần cảnh giác với vấn đề an toàn lao động.
Những người bị bệnh tiểu đường, phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc căn bệnh này. Biểu hiện của người mắc whitmore là sốt cao, đau cơ, có ô nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách và viêm phổi. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Được biết, whitmore hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có khuyến cáo về sử dụng kháng sinh dự phòng. Biện pháp phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bùi, tăng cường các biện pháp phòng hộ trong lao động và tránh để da bàn tay, bàn chân tiếp xúc với đất bẩn.